Nhà thơ Trần Đăng Khoa - tác giả
Hiện nay Trường Sa vẫn là một vùng sóng gió bất an nhất. Nếu đất nước có biến động thì chắc cũng bắt đầu từ quần đảo này. Nào bạn đọc hãy cùng tôi trở lại Trường Sa. Bằng những con chữ mỏng manh và đầy giông gió, tôi muốn cắm một cột mốc chủ quyền lãnh thổ theo cách của riêng tôi cho quần đảo thiêng liêng này.
Vậy Trường Sa là gì? Trường Sa ở đâu? Nếu tôi đọc số kinh tuyến, vĩ tuyến nơi vị trí của hòn đảo thì chắc các bạn cũng khó mà hình dung được, bởi nó trìu tượng quá, mung lung quá. Xin các bạn hãy nhìn lên bản đồ. Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta trên bản đồ thế giới trông giống một bà mẹ già gày gò, đội nón lá, lưng còng gập có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ đáng thương ấy vẫn còn lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng. Tấm lưng còng gập quay ra đại dương. Cái phên dậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa đấy.
Trường Sa, nói theo chữ của các cụ ta xưa thì nó là một dải cát dài. Nhưng cái hòn đảo tôi muốn dẫn các bạn tới còn chưa có cả cát nữa kia. Nó mới đang là một vỉa san hô ngầm còn chìm sâu dưới nước ba mét, như một cái bào thai. Các chiến sĩ của chúng ta đã dựng chòi giữa sóng gió hoang vu để canh giữ, bảo vệ.
Nhiều đêm ngồi trên cái chòi bạt này, giữa một bầu mây nước hỗn mang, tôi cứ ngỡ mình đang ở thời tiền sử, đang chứng kiến cái giây phút sinh thành của trái đất. Hòn đảo vẫn réo gầm dưới sóng. Nó như đang quẫy đạp, đang dãy dụa, muốn xé toang cái bầu nước âm u vây bọc kia để ra đời. Nhưng theo cách tính toán của các nhà khoa học, thì phải hơn một trăm năm nữa, nó mới nhô lên kia. Vậy mà bao nhiêu kẻ đã nhòm ngó, rình rập. Máu đã đổ ở Trường Sa rồi đấy. Nhiều hài cốt của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vẫn còn nằm dưới đáy biển đắng chát kia.
Nếu bây giờ, các bạn có dịp đặt chân thực sự lên hòn đảo huyền thoại này, các bạn sẽ thấy hòn đảo khác rất nhiều với những gì tôi kể. Một căn nhà vững chãi như lô cốt hai tầng bằng bê tông cốt thép đã được dựng lên. Bên cạnh cái "lô cốt" sừng sững như một pháo đài này, Bộ tư lệnh Hải Quân vẫn giữ lại cái lều bạt hoang sơ mà những người lính biển chúng tôi đã ở, như một bảo tàng, lưu giữ dấu ấn của những ngày gian khổ chưa xa. Nhưng dù chúng ta có nâng nưu gìn giữ thế nào thì sắt thép cũng sẽ bị hoen rỉ trong nước mặn. Mọi sự việc dù cảm động đến đâu rồi cũng phai mờ qua những biến động của thời gian. Tôi nghĩ thế và tôi đã lẩn mẩn ghi lại tất cả những gì mình thấy, làm một cái bảo tàng nho nhỏ cho bạn đọc, những người đến sau, không được thấy những gì tôi thấy.
Nào, các bạn hãy cùng tôi ngược thời gian, trở lại những ngày gian khổ đó nhé!
TRẦN ĐĂNG KHOA
Đó là lời giới thiệu của nhà thơ Trần Đăng Khoa về tập sách Đảo chìm của mình.
Các bạn có thể đọc E-book ĐẢO CHÌM tại đây
File có định dạng là *.prc bạn cần sử dụng phần mềm Mobipocket Reader để đọc.
Tải phần mềm đọc tại đây