Cái tát trong Ngày Nhà giáo
Thứ hai - 05/01/2015 21:51
Cái tát trong Ngày Nhà giáo
Hai mẩu chuyện sau đây không chỉ là chuyện mà là những bài học làm người. Tôn sư trọng đạo là bài học muôn đời làm nên cốt cách dân tộc, đất nước. Để được vậy, xã hội cần phải có những con-người-học-tập và những "cú tát" như thế.
1. Nhà hắn thuộc dạng “khó ba đời” ở vùng miền Tây sông nước. Ba hắn xưa là ông giáo làng, thất chí nên bỏ việc, về cày ruộng. Mấy mảnh đất màu trồng rau đậu và vài sào ruộng chỉ đủ nuôi 5 miệng ăn. Gặp khi bão lũ, sâu bệnh thì mùa màng mất trắng. Cả nhà phải bữa đói bữa no, một hạt cơm “cõng” bốn năm lát sắn.
Mẹ bệnh liên miên. Mấy anh chị đã có gia đình riêng, đều nghèo kiết xác. Hắn phải phụ ba mọi việc. Ba bảo đừng làm nữa, lo mà học hành. Nghèo thì phải lo học, “không thì cả đời làm kiếp ngựa trâu cày bục mặt như bố mẹ”. Hắn không sợ nghèo, chỉ sợ không có điều kiện học. Mà không có điều kiện thật. Năm hắn chuẩn bị thi tốt nghiệp cuối cấp THCS, trời hạn kinh khủng. Mất mùa, cả làng đói, nhà hắn cũng ăn khoai sắn cầm hơi. Rồi đến lúc không còn khoai sắn mà ăn. Mẹ phải ăn cháo lỏng. Hắn đứng nép sau phên tre, nhìn mẹ ôm bụng nhăn nhó đau mà nước mắt chảy ròng ròng. Giọt nước mắt thằng con trai tuổi đang lớn đong đầy sự tủi thân.
Không tiền đóng học phí, không tiền ăn học, hắn quyết định nghỉ, “đút vở bụi tre”, bỏ quê lên thành phố kiếm cơm.
Trước khi lên thành phố, hắn đến thăm cô Loan dạy Văn. Hắn là đứa học trò cô Loan thương nhất vì nhà nghèo, hiền ngoan, học khá. Nghe chuyện, cô Loan vung tay tát một cái làm hắn đỏ bừng mặt. Cô giận vì đứa học trò thiếu ý chí. Hắn khóc. Đoạn, cô dúi vào tay hắn một xấp tiền mỏng. "Em nghỉ học mấy ngày qua, cả lớp đều biết. Các bạn gom góp mỗi người một chút tặng em đóng học phí…”.
“Một chút” của các bạn, ấy là mỗi người một rổ khoai, nửa ang lúa, một bó mía, một lọn củi…, trong đó có cả phần của cô Loan. Nhà ai cũng nghèo sát đất như nhà hắn chứ có khá gì hơn. Cô Loan gom lại, chở hết xuống chợ huyện bán, lấy tiền đem về.
Hắn cầm xấp tiền tình nghĩa, thầm nghĩ: Cái sự học cao quý là thế lẽ nào hắn dám bỏ, trong khi cô giáo và bạn bè hết lòng lo cho hắn. Cái tình người, tình bạn trong lúc hàn vi cao cả là thế, nỡ nào hắn “phụ bạc”.
Hắn quyết định phải học. Học thật giỏi.
Mười năm sau, hắn trở về. Nơi thứ hai hắn ghé thăm sau khi về nhà mình là cô Loan. Ấy là dịp 20-11, trên tay hắn là một món quà hết sức đặc biệt, được bỏ trong một chiếc bao tải to.
Trong đó là một rổ khoai, nửa giạ lúa, một bó mía, một lọn củi… Món quà tựa ngày xưa. Bạn bè năm cũ không hẹn mà gặp, cùng tụ tập ở nhà cô Loan đông đủ. Cùng nhìn món quà “lạ”, cùng kể về cú tát năm xưa, mọi người phá lên cười sung sướng!
“Lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “nhân bất học bất tri lý”… Ôi, hiểu và làm được theo những lời răn dạy ấy, tình người, tình đời đẹp biết bao nhiêu…
2. Hắn là con nhà giàu sụ. Mẹ kế nghiệp nhà ngoại, buôn bán tơ vải, trúng quả quanh năm. Ba hắn làm sếp ở một công ty Nhà nước, bận rộn tối ngày. Nhà giàu nứt đố đổ vách, hắn lại là con một nên được cưng như trứng, hứng như hoa. Bận bịu làm ăn, ba mẹ thuê đến 3 người giúp việc. Một người lo chuyện nhà, một người lo chợ búa cơm nước và một người để hắn… sai vặt!
Sợ con học kém, ba mẹ hắn tìm thêm một gia sư, dạy kèm cho hắn cả 5 môn toán, văn, lý, hóa, ngoại ngữ.
Từ năm lớp 6 đến lớp 8, hắn học khá. Cũng có “gen” học, cũng phần vì sợ bị bạn bè chê “giàu mà dốt” nên hắn cắm đầu học.
Nhưng rồi năm lên lớp 9, năm quan trọng nhất của cấp THCS, hắn đâm ra đổ đốn. Ham chơi, ngủ gục trong lớp, hắn học sút hẳn. Bị thầy cô kiểm điểm, giai đoạn đầu hắn mượn tập của bạn về, nhờ… ôsin chép. Nhưng trình độ ôsin có hạn, chịu thua. Hắn nhờ gia sư chép.
Gia sư hắn, một nữ sinh viên sư phạm năm ba, rất giỏi và rất nghèo!
Tất nhiên cô gia sư chẳng bao giờ chiều theo yêu cầu quái đản của hắn. Rồi bản chất của con nhà cậy giàu cuối cùng cũng lòi ra khi hắn tuyên bố xanh rờn với cô giáo dạy kèm: “Không chép thì cút !”.
Một cú bạt tai tóe lửa khiến hắn choáng váng. Hắn không ngờ cô giáo dạy kèm dám đánh mình. Lâu nay trong đầu hắn luôn nghĩ cô gia sư cũng như mấy người ôsin kia thôi, chỉ là phận làm thuê, có khác chăng cô có trình độ.
Còn cô gia sư cũng không ngờ mình ra đòn với học trò. Cả năm rồi kèm cặp thằng bé con nhà giàu, cô luôn nghĩ cậu ta cũng như đứa em trai mình. Sẵn sàng dạy dỗ nó hết mình nhưng cũng sẵn sàng la mắng nó, cốt để cho nên người, chứ chẳng dám đòn roi.
Bớt choáng vì cú tát, thằng học trò lập bập tìm điện thoại, chắc là gọi mẹ nó, kể tội. Rồi hắn quay lại, đanh giọng: “Mẹ tôi nói tháng này cô đừng hòng nhận tiền”.
Cô giáo dạy kèm bật khóc, tông cửa chạy ra ngoài. Cô tức không phải vì sẽ mất khoản tiền công kia mà vì đứa học trò vô lễ, vì cái nghiệp bạc, vì cái sự đời éo le…
Ba ngày sau, cũng đúng vào ngày 20-11, cô giáo dạy kèm đang ngồi đọc sách trong phòng trọ thì nghe tiếng gõ cửa. Thật bất ngờ, tìm đến nhà cô là đứa học trò nhà giàu đi cùng bố của nó. Sau màn chào hỏi, ông thưa: “Hôm nọ thằng bé ăn nói thế nào với cô?”.
Cô gia sư kể lại mọi chuyện. Vừa xong, bất ngờ ông ta dang tay tát một cái thật mạnh vào má thằng con mình. “Tôi mà biết sớm thì khi ấy đã nhờ cô tát cho nó một cái nữa, thay cho tôi. Giờ biết chuyện, tôi xin thay cô làm việc đó. Tôi xin lỗi cô vì đã không dạy được nó những điều hay lẽ phải” – ông nói, rồi yêu cầu con nói lời xin lỗi cô giáo.
Đối với cô giáo tương lai này, có lẽ cú tát ấy là món quà ý nghĩa nhất, không chỉ đối với cô mà đối với cả ngành sư phạm, với một bộ phận người không nhỏ trong xã hội. Cú tát như một bài học làm người, nặng ngàn cân, có sức lay động lớn vô cùng.
Và, ông bố của đứa học trò nhà giàu kia, có ai biết rằng chính là cậu học trò nhà nghèo “khó ba đời” năm xưa trong câu chuyện đã kể trên.
(Từ lời kể của bạn bè là giáo viên đang ở TPHCM, tác giả viết lại chuyện này để hầu bạn đọc nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20-11!)
An Nhiên (Báo Người lao động)