Trần Đăng Khoa: Khối C lụn bại, ai có tội?
Thứ hai - 05/01/2015 22:01
Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1966 tại Phủ Chủ tịch
Nếu chúng ta tin vào con người, chỉ tin con người thôi, chứ không tin bằng cấp, giấy tờ thì tình thế sẽ khác.
Kỳ thi Đại học, Cao đẳng năm 2012 đã kết thúc một cách êm lành, nhưng vẫn để lại một dư vị đắng đót trong lòng mọi người, nhất là đối với những ai hằng quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa đất nước: Số lượng các em thi vào Khối C quá thấp. Điều ấy không còn mới nữa. Một kết cục bi thảm chúng ta đã biết trước.
Tôi còn nhớ, cách đây chừng một năm, trong phiên họp chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục, một Đại biểu Quốc hội ở phía Nam đã đưa ra một con số giật mình: Số lượng hồ sơ đăng ký thi Khối C rất thấp. Nhiều nơi, số người xin thi còn ít hơn cả số chỉ tiêu dự kiến tuyển chọn. “Vậy Bộ trưởng có biện pháp gì để giải quyết tình trạng bi thảm hiện nay? Đây là một sự thật đáng phải báo động. Cứ đà này rồi không khéo sẽ đến lúc chúng ta phải giải tán Ban B, vì không còn có người theo học!”. Lời cảnh báo của vị Đại biểu Quốc hội ấy đã ứng nghiệm. Năm nay, số lượng các em xin thi khối C còn tụt xuống đến mức thê thảm. Theo tổng kết của các trường Trung học Phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, khối A được đăng ký thi vẫn chiếm ưu thế, tiếp đến là khối D1, khối B, và khối C có tỷ lệ đăng ký thấp đến kinh ngạc, dù chúng ta cũng đã lường trước. Tình hình bi đát của khối C (Văn, Sử, Địa) diễn ra ở hầu khắp các trường được khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ở một số trường, số hồ sơ đăng ký dự thi vào khối C chỉ chiếm chưa đến 0,2%. Trong tổng số 2.034 hồ sơ đăng ký thi tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thượng Hiền thì chỉ có 3 hồ sơ xin dự thi khối C gồm 2 hồ sơ thi vào Đại học Luật và một vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tình hình cũng không khá hơn ở các trường khác khi tỷ lệ cũng không vượt quá 1%. Ở Hà Nội cũng vậy. Theo thống kê của Sở Giáo dục Đào tạo, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi Đại học Cao đẳng năm nay của Hà Nội là 159.660 hồ sơ, giảm 33.156 hồ sơ so với năm 2009. Trong đó, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào khối C rất ít, chỉ đạt 5,2%.
Tôi còn biết nói sao với các thế hệ “Hậu sinh khả úy” đây, khi trước mắt tôi là những sự thật rất khó lý giải. Nhìn lại những thước phim tư liệu về Đại hội Đảng và các kỳ họp Quốc Hội trước đây, quây quần bên Bác là Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Trà Giang, Lưu Hữu Phước và rất nhiều nhà hoạt động văn hóa. Trong Đại Hội Đảng của chúng ta vừa rồi, có đến 1.700 đại biểu, mà không có đại biểu nào đại diện cho giới văn chương. Trong khi đó, ở bên Trung Quốc, một nhà văn ngang tàng như Thiết Ngưng còn được đưa vào hàng ngũ những người Lãnh đạo cao nhất của Đất nước, ở ta, nhà thơ Hữu Thỉnh, một tác giả lớn, Chủ tịch của cả hai hội lớn: Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, mà cũng không phải là đại biểu được đến dự. Trong số hơn 500 Đại biểu Quốc Hội, trong đó có đầy đủ các thành phần xã hội, đặc biệt có rất nhiều các nhà Doanh nghiệp, trong đó còn có cả đại biểu phải miễn nhiệm giữa chừng, nhưng cũng vẫn không có đại biểu nào Đại diện cho giới Văn hóa. Đó là điều rất không bình thường. Với cách ứng xử của chúng ta như thế, các em bỏ Khối C, để “cao chạy xa bay” thì cũng phải thôi. Làm sao chúng ta trách các em được (!). Để khắc phục tình trạng này, cần phải tiến hành đồng bộ ở rất nhiều công đoạn, trong đó đặc biệt là khâu tuyển chọn người vào các cơ quan nhà nước, cũng như các cơ quan kinh tế. Bằng cấp chỉ là một trong những yếu tố để tham khảo, chứ không đóng vai trò quyết định. Chúng ta quá nệ thuộc bằng cấp, học vị nên mới xuất hiện nạn bằng giả, học vị giả, rồi dịch vụ Học thuê, Thi thuê. Đấy là những việc làm hết sức kỳ quái. Nếu chúng ta tin vào con người, chỉ tin con người thôi, chứ không tin bằng cấp, giấy tờ thì tình thế sẽ khác. Việc nhận người vào cơ quan làm việc sẽ rất đơn giản như ở nhiều nước văn minh khác. Thi tuyển chỉ bằng cuộc đối thoại sát hạch giữa ông chủ với người đến xin việc. Rồi giao việc, thử việc. Nếu làm tốt thì tiếp nhận. Nếu không làm được việc thì thải loại, dù đó là cán bộ có thâm niên lâu lăm, hay một học giả với bất cứ bằng cấp hay học vị gì. Lương cũng trả theo chất lượng công việc. Làm giỏi thì lương cao. Thưởng bằng lương chứ không bằng chức vụ. Ở ta, đã từng có bác sĩ giỏi, sau thành công của ca mổ, được rút khỏi chuyên môn, về làm lãnh đạo ngành. Ta cứ tưởng cách ứng xử như thế là trọng dụng nhân tài. Thực chất nhiều khi ngược lại. Ta đã đổi một nhà chuyên môn kiệt xuất để lấy một nhà quản lý hạng xoàng. Rốt cuộc là hỏng ráo cả. Nhà chuyên môn và người quản lý là hai con người ở hai lĩnh vực khác nhau. Một nhà chuyên môn giỏi có thể có vị thế sang hơn, với mức lương cao hơn nhà quản lý. Chỉ khi nào nghề nghiệp được tôn trọng, những giá trị đích thực được tôn trọng thì chúng ta mới hy vọng thoát khỏi đói nghèo. Làm sao để nhân viên nào trong cơ quan cũng chỉ quan tâm đến việc nâng cao nghiệp vụ, nâng cao tay nghề để có lương cao, chứ không phải hì hụi, mưu mô tranh giành một cái ghế lãnh đạo. Chỉ như thể, chúng ta mới có được một cuộc sống an lành, một xã hội trong sạch, lành mạnh và phát triển./. Văn học là nhân học. Một hiền triết nước ngoài đã nói như vậy. Ở ta, các cụ cũng bảo: “Học văn là học làm người!”. Ở một nước Văn hiến, có truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo, với nền văn hiến lâu đời, đã được xây đắp qua rất nhiều thế hệ, mà bây giờ, trong đời sống thực dụng, ô trọc, người ta không còn khao khát, mơ mộng, không còn muốn “học làm người” nữa thì thật đáng sợ. Có lẽ cũng về thế chăng mà những năm gần đây, bạo lực lan tràn từ gia đình đến học đường. Đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng. Luật rừng lấn luật pháp. Tình yêu thương đồng loại thành món hàng xa xỉ. Tại sao lại đến nông nỗi thế? Nguyên do từ đâu? Tất cả tại chúng ta. Trước hết là chúng ta có lỗi. Chẳng ai vô can trong tội lỗi này. Chúng ta thiếu một tầm nhìn rộng lớn có tính chiến lược. Cũng lại thiếu cả những biện pháp cụ thể để khắc phục và cải thiện tình hình. Đời sống cuốn như bão lốc mà chúng ta lại chậm chạp, trì trệ. Nhiều khi còn áp đặt chủ quan những gì ta muốnlên cuộc sống, dù cái muốn đã quá lỗi thời và lạc hậu, trong khi cuộc sống lại vận động theo quy luật tự nhiên: Cái mới sẽ thay thế cái cũ. Cái tiến bộ sẽ thay thế cái lỗi thời, lạc hậu. Đừng trách khi có hàng ngàn em bị điểm không môn Lịch sử. Dù hiện thực nghiệt ngã ấy không thể gọi được là một điều bình thường. “Chúng cháu không quay lưng lại với cha ông. Lịch sử dân tộc trang nào đẹp và linh thiêng. Đất nước non sông nhìn đâu cũng gấm vóc. Nhưng cả hai môn sử địa chúng cháu học lại rất khô cứng. Chẳng thấy “gấm vóc” với “linh thiêng” ở đâu. Chúng cháu sợ nhất hai môn này. Ở lớp cháu, chẳng có đứa nào thích hai môn này đâu - một sinh viên tâm sự - Cháu rất yêu văn chương, cũng đã từng có truyện ngắn in trên báo Tiền phong và Hoa học trò. Nhưng kỳ thi này, cháu cũng không thi Khối C. Thi Khối C, rồi lại mất mấy năm bố mẹ chạy vạy, bán đất bán cát, bán nhà bán cửa cho chúng cháu ăn học, nhưng khi học xong rồi thì xin việc ở đâu? Ai nhận chúng cháu vào làm việc? Thế nên cháu phải bỏ môn yêu thích, cũng là môn mình có khả năng nhất, để chạy theo những môn rất xa lạ với mình. Bạn bè cháu cũng thế. Chúng nó cũng phải bỏ môn sở trường, chạy theo môn sở đoản để hy vọng sau này ra trường còn kiếm nổi một việc làm. Chú có thấy buồn không khi một đất nước, nhìn đâu cũng chỉ thấy những anh “tay chiêu”?. Thế mà chúng ta lại cứ muốn nâng cao năng lực cán bộ. Bây giờ không phải thời của văn chương. Cũng không phải thời của văn hóa. Nhà văn hóa đâu có được tôn trọng!”. Trần Đăng Khoa (vov.vn)
Từ khóa:
giấy tờ, tình thế, đại học, cao đẳng, kết thúc, nhất là, những ai, quan tâm, sự nghiệp, phát triển, văn hóa, số lượng, kết cục
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|