Đức Thọ là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Với bao tên làng, tên người đã đi vào ịch sử. Bến Tam soa nơi hợp lưu của 2 con sônng Ngàn Phố, Ngàn Sâu tạo nên con Sông la xanh trong thơ mộng. Bao con người sinh ra từ mảnh đất này đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu để xây dựng nên quê hương Trần Phú, để cho Đức Thọ đi vào tâm thức của muôn người trên vạn nẻo non sông.

Trang thông tin điện tử ngành giáo dục Đức Thọ được xây dựng và vận hành hoàn toàn miễn phí bởi Công ty Truyền thông Trực tuyến Việt Nam.


Khen thưởng Khen thưởng Khen thưởng
 DANH MỤC CHÍNH  
 LIÊN KẾT TRƯỜNG 
 Click vao de xem chi tiet HỆ THỐNG TRƯỜNG THCS

 DÀNH CHO QUẢNG CÁO 
 LIÊN KẾT NHANH 
 Kế hoạch công tác 
Kế hoạch công tác tháng 10-2015


 Thông báo - Giấy mời 

 Thành viên có mặt 

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 4815

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 57477

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 11517773

 
Trang nhất » Tin Tức » Dạy và học 10:34 EDT Thứ năm, 18/04/2024

Bồi dưỡng hứng thú học tập của học sinh đối với môn Tiếng Việt 5

Thứ sáu - 22/08/2014 12:23
Tạo hứng thú học tập cho học sinh là một trong những điều cốt yếu trong quá trình dạy học. Điều này ai cũng nhận thức được. Nhưng điều mà nhiều giáo viên còn băn khoăn, trăn trở là cách tạo hứng thú học tập cho học sinh trong các môn học như thế nào? Sau đây, xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng - GV trường tiểu học Đông Thái về bồi dưỡng hứng thú học tập cho học sinh đối với môn Tiếng Việt 5.
 
 
a. Vai trò của hứng thú trong hoạt động học tập
Học tập cũng như làm việc muốn có hiệu quả thì phải có hứng thú, say mê. Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với  đối tượng nào đó vừa có ý nghĩa trong đời sống, vừa có khă năng mang lại khoái cảm cho chủ thể. Hứng thú biểu hiện trong sự tập trung cao độ của chú ý. Nó làm tăng hiệu quả của quá trình nhận thức. Vì nó có quan hệ với chú ý và tình cảm nên khi đã có hứng thú thì thường hướng toàn bộ quá trình nhận thức vào toàn bộ đối tượng, khiến quá trình đó nhạy bén và sâu sắc hơn. Hứng thú nảy sinh hành động và hành động sáng tạo. Hứng thú phát triển sâu sắc tạo ra nhu cầu cao của cá nhân, cá nhân cần phải hành động để thoả mãn hứng thú đó. Những hành động phù hợp với hứng thú như vậy thường được tiến hành một cách hết sức tự giác, đầy tính sáng tạo nên bao giờ cũng có kết quả cao. Hứng thú làm tăng sức làm việc. Hứng thú là một dạng đặc biệt của tình cảm do sự hấp dẫn của đối tượng gây ra. Cho nên khi có hứng thú thì cá nhân có sức chịu đựng dẻo dai, làm việc một cách say mê.
 
Hứng thú học tập có vai trò rất lớn trong hoạt động học tập của học sinh, làm tăng hiệu quả của quá trình nhận thức.
 
Đối với trẻ em, đặc biệt là học sinh tiểu học, hứng thú là động cơ mãnh liệt thúc đẩy sự phát triển về nhiều mặt. Làm gì không có hứng thú các em không thể tập trung sức lực và trí lực, không thể đạt kết quả mong muốn. Hứng thú của trẻ xuất phát từ cuộc sống và trong hoạt động.
 
Hứng thú có vai trò quan trọng như vậy nên điều quan trọng và quyết định trước hết trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi Tiếng Việt là khơi dậy và phát triển hứng thú của học sinh đối với môn Tiếng Việt. Kinh nghiệm thực tế cho thấy bất kì học sinh nào, từ các học sinh bình thường cho đến các em có năng khiếu, muốn học giỏi môn Tiếng Việt thì trước hết phải ham thích ở mức độ cao hơn, say mê môn Tiếng Việt. Có ham thích mới chăm chỉ, chịu khó học và có như vậy mới có điều kiện đạt kết quả tốt. Hay nói cách khác có hứng thú, say mê với môn Tiếng Việt thì mới có tiền đề để học giỏi môn Tiếng Việt.
 
 b. Bồi dưỡng hứng thú học tập môn Tiếng Việt thông qua việc khai thác, phát triển nội dung bài học.
 
Để bồi dưỡng lòng ham thích, say mê môn Tiếng Việt cho học sinh tiểu học phải cho các em thấy được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt.
 
Tiếng mẹ đẻ có vai trò cực kì quan trọng trong đời sống cộng đồng và trong đời sống của mỗi người. Ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng là một công cụ kì diệu có sức hấp dẫn con người từ thuở ấu thơ. Vì thế, giáo dục học sinh yêu quý tiếng Việt “thứ của cải vô cùng quý báu của dân tộc” là việc làm  quan trọng và cần thiết để giữ gìn, phát triển ngôn ngữ, để làm trong sáng và giàu đẹp tiếng Việt.
 
Hiện nay, ở các trường tiểu học, học sinh chưa thật sự tìm được hứng thú khi học môn Tiếng Việt. Một trong những nguyên nhân làm giảm hứng thú của học sinh là trong nhiều bài học Tiếng việt chúng ta nặng về truyền thụ những quy tắc “khô khan” bỏ qua nhiều điều bổ ích thú vị. Tiếng Việt là thứ ngôn ngữ tinh tế và phong phú mà kinh nghiệm sống của các em còn ít ỏi nên chưa thể sử dụng nó một cách hiệu quả nhất. Vì thế, người giáo viên cần giúp các em khám phá ra những điều kì diệu của tiếng mẹ đẻ.
 
Chẳng hạn, khi học về Từ đồng âm và Dùng từ đồng âm để chơi chữ các em sẽ biết được cách chơi chữ độc đáo, hóm hỉnh mà ý tứ sâu xa của người Việt. Vì thế, giáo viên nên đưa thêm những câu nói, câu đố, chuyện vui... có liên qua đến cách dùng từ đồng âm để tạo hứng thú học tập cho học sinh.
 
Ví dụ:                                          - Trùng trục như con chó thui
 
                                           Chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu.
 
                                - Thằng mù nhìn thằng mù nhìn, thằng mù nhìn không nhìn thằng mù.
 
                                - Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa.
 
Hoặc giáo viên kể cho các em nghe câu chuyện “Cò nhà vạc đồng”:
 
Ngày xưa, có anh chàng mượn của người hàng xóm một cái vạc đồng. ít lâu sau, anh ta trả lại cho người hàng xóm hai con cò, nói là vạc đã bị mất nên đền hai con cò. Người hàng xóm đi kiện. Quan gọi hai người đến xử. Anh này thưa: “Bẩm quan, con đã đền cho anh ta hai con cò”.
 
- Nhưng vạc con là vạc thật. Người hàng xóm nói.
 
- Dễ cò của tôi là cò giả chắc? Anh chàng trả lời.
 
- Bẩm quan, vạc của con là vạc đồng.
 
- Thế anh tưởng cò tôi là cò nhà ư?
 
Ngoài ra, giáo viên có thể khai thác kinh nghiệm sử dụng tiếng Việt của học sinh bằng cách cho học sinh nêu những câu nói có dùng hiện tượng đồng âm để chơi chữ mà các em từng nghe, từng đọc.
 
 Học về từ mượn, học sinh sẽ thấy trong tiếng Việt có một bộ phận khá lớn từ ngữ được tiếp nhận từ các ngôn ngữ khác, nhất là từ gốc Hán. Đồng thời có thể giáo dục các em lòng tự hào dân tộc: Việt Nam bị nước ngoài đô hộ hàng nghìn năm mà dân tộc Việt Nam vẫn không bị đồng hoá, tiếng Việt vẫn được tồn tại và phát triển, vẫn giữ được bản sắc và tinh hoa của mình. Hiểu được ý nghĩa các yếu tố gốc Hán và phương thức cấu tạo từ gốc Hán để nâng cao kiến thức cho học sinh. Học sinh sẽ thấy được không riêng gì tiếng Việt mà ngay cả yếu tố Hán Việt cũng có hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa. Đó là sự đồng nghĩa giữa yếu tố Hán Việt và yếu tố phi Hán Việt. Ông cha ta đã từng dựa vào đặc điểm này để sáng tạo nên cách học các yếu tố Hán Việt:
 
                                      Thiên-trời; địa-đất; vân-mây;
 
                              Vũ-mưa; phong-gió; nhật-ngày; dạ-đêm;
 
                                    Tinh-khôn; lộ-móc; tường-điềm;
 
                           Hưu-lành; khánh-phúc; tăng-thêm; đa-nhiều...
 
 Hoặc vì sao đã có từ thuần Việt rồi còn tiếp nhận các từ Hán Việt tương ứng vào tiếng Việt, như vợ và phu nhân, lệ và nước mắt. khi nào thì nên dùng từ thuần Việt khi nào dùng từ Hán Việt. Chẳng hạn:
 
Người ta thương nói: thủ tướng và phu nhân chứ không nói thủ tướng và vợ. Hoặc Tố Hữu viết: “ Nguyễn Du ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!” mà không viết: “Nguyễn Du ơi, nước mắt chảy quanh thân Kiều!” nhưng lại có câu: Nước mắt cá sấu...
 
Trong quá trình dạy học giáo viên có thể kể cho học sinh những câu chuyện liên quan thú vị về từ Hán Việt  như  Tại sao trong ngày cưới hoặc ngày tết người ta thường treo ngược chữ phúc? Vấn đề có liên quan đến hiện tượng đồng âm giữa các yếu tố gốc Hán. Đó là âm đảo và âm đáo. Chữ phúc treo ngược đọc là phúc đảo. Nhưng đảo lại phát âm giống đáo nên người ta đọc chệch phúc đảo thành phúc đáo nghĩa là phúc đến.
 
Nói đến bồi dưỡng hứng thú cho học sinh đối với môn Tiếng Việt mà không nói đến phong cách học thì quả là một thiếu sót rất lớn. Bước vào lĩnh vực này học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, nâng cao thẩm mĩ ngôn ngữ lên một bước, không những cảm thấy hay và đẹp mà còn biết vì sao lại hay, lại đẹp. Những bài học ở các lớp trên của bậc phổ thông đem lại nhiều bổ ích và hứng thú cho học sinh, nhưng thiết nghĩ, không phải đến lúc ấy mới giảng về giá trị tu từ của từ ngữ. Trái lại công việc này nên xuyên suốt cả trong một quá trình nhiều năm từ tiểu học lên đến phổ thông trung học tùy theo trình độ từ thấp lên cao. Ngay cả dấu chấm câu, cả cách viết hoa cũng có mặt tu từ của nó. Một dấu câu thiếu lắm khi gây ra những sự hiểu lầm tai hại. Ng­ười ta kể rằng: ở một nước nọ có một ông đặt vòng hoa viếng bạn. Theo thông lệ vòng hoa chỉ mang một dòng chữ đơn giản là: “Kính viếng ông X”. Đặt vòng hoa xong, về tới nhà, ngẫm nghĩ lại, thấy dòng chữ đơn giản quá, ông kia viết thêm mấy dòng nh­ư sau, gửi cho hàng hoa: xin ghi thêm nếu còn chỗ linh hồn ông sẽ được lên thiên đàng. Kết quả vòng hoa đ­ược gửi tới đám tang trái với mong đợi của ông khách hàng cẩu thả: “Kính viếng ông X. Nếu còn chỗ, linh hồn ông sẽ được lên thiên đàng”. Nguyên nhân chỉ là ông khách quên một dấu hai chấm trong mẩu thư gửi cửa hàng hoa.
 
Giá trị tu từ học cũng rất phong phú trong lĩnh vực từ pháp và cú pháp mà giáo viên có thể khai thác, chọn lọc để mang lại cho học sinh những giờ học về các từ loại và về các loại câu thú vị.
 
Chẳng hạn, khi dạy về đại từ, sách giáo khoa Tiếng Việt 5, tập 1 đã định nghĩa: “Đại từ là từ dùng để xưng hô hay thay thế danh từ, động từ, tính từ  (hay cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ) trong câu cho khỏi lặp lại các từ ngữ ấy”.
 
Sách giáo khoa cũng đề cập đến đại từ xưng hô: “Đại từ xưng hô là từ được người nói dùng để tự chỉ mình hay chỉ người khác khi giao tiếp: tôi, chúng tôi; mày, chúng mày; nó, chúng nó...”. Sách giáo khoa cũng lưu ý thêm: “ Khi xưng hô cần chú ý chọn từ cho lịch sự thể hiện đúng mối quan hệ giữa mình với người nghe và người được nhắc tới”.
 
Các tiết học với yêu cầu hình thành khái niệm đại từ trong nhận thức của học sinh, nhận diện các loại từ trong tiếng Việt, với sự lưu ý học sinh đối với hiện tượng dùng đại từ để xưng hô phù hợp thì chừng ấy nội dung là đủ. Tuy nhiên hiểu được cái tôi, tao, tớ, mình, ta, người ta… là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số đơn; chúng tôi, chúng ta, ta… là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều; mày, mi, cậu... là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số đơn; chúng mày là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số nhiều;  nó, hắn, vị, gã, y, thị, ả… là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số đơn; chúng, chúng nó, họ… là đại từ ngôi thứ ba số nhiều... chưa phải là đã hiểu được cái sống động, lí thú nhất của đại từ nhân xưng tiếng Việt. Đại từ nhân xưng tiếng Việt khác với hệ thống đại từ nhân xưng của nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp... ở chỗ chúng không mang tính chất trung hoà. Chúng nằm trong hàng loạt thế đối lập với nhau: đối lập về ngôi, về số, về giới (nam/nữ), về tuổi (già/trẻ), về quan hệ (thân/sơ), về thái độ (khinh/trọng). Vì thế giáo viên cần dừng lại giảng thêm về các loại đại từ nhân xưng tiếng Việt.
 
Về ngôi, do số lượng đại từ nhân xưng phong phú, tiếng Việt có khả năng phân biệt trong một câu những người, vật khác nhau cùng thuộc ngôi thứ ba bằng những từ ngữ khác nhau. Ví dụ: Nó đánh anh ấy.
 
Trong các thế đối lập mà hệ thống đại từ nhân xưng tiếng Việt diễn tả, quan trọng nhất là đối lập khinh/trọng và đối lập thân/sơ. Nếu trân trọng người thuộc ngôi khác, người nói thường tự hạ bậc mình khi xưng hô và nâng bậc người khác khi gọi. Ngược lại nếu có thái độ coi thường hoặc suồng sã đối với người khác thì người nói có thể nâng mình lên và hạ người khác xuống. Điều này thấy rõ nhất trong cách xưng hô trước cách mạng tháng tám. Những người kém vai vế, bất kể tuổi tác, thường xưng em, cháu hay con trong khi bị gọi là mày, mi, bay hoặc nó, thị, ả.
 
Lựa chọn từ để xưng hô cho đúng không phải là đơn giản. Mẹ xưng hô mày, tao với người con đã lớn tuổi của mình nghe có vẻ thiếu tôn trọng. Hai bố con đến thăm ông bà, mà cả hai bố con không thể gộp thành chúng mình. Trong trường hợp như thế nếu không xưng hoặc gọi gộp được bằng những từ trung tính về giới và tuổi như chúng tôi, chúng mình.. thì phải ghép các từ lại mà xưng hô. Ví dụ: Ghép liền bố con cháu, bố con mình... hoặc ghép rời con với cháu…
 
Hoặc khi cho học sinh ôn tập về danh từ giáo viên đi sâu hơn về danh từ riêng để cho học sinh hứng thú tìm hiểu chứ không phải chỉ nhắc lại khái niệm một cách máy móc. Chúng ta có thể giảng cho học sinh về cấu tạo của danh từ riêng như danh từ riêng chỉ người, tên của người Việt được cấu tạo theo trật tự: Họ + tên mà không phải tên nước nào cũng đặt theo trật tự như vậy (tên người Nga cấu tạo theo trật tự: Tên cá nhân + tên cha + tên họ). Tiếp đó giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu tại sao tên riêng người Việt lại thường là từ Hán Việt như: Giang, Sơn, Hải, Thảo, Thuỷ,... chứ ít ai lấy tên là: Sông, Núi, Biển, Cỏ, Nước... mặc dù chúng có nghĩa như nhau. Nhưng cũng có người tên là Nụ, là Thơm, là Tấm.... nghe rất bình dị thân thương. Học sinh không những biết cấu tạo của danh từ riêng mà còn biết cách sử dụng danh từ riêng; phải biết trong trường hợp nào thì  dùng tên cá nhân và tên họ, trường hợp nào thì chỉ dùng tên cá nhân. Trong giao tiếp hàng ngày thì gọi ông Hoá, bà Liên, anh Bằng, em Kha... Thói quen này của người Việt khác với thói quen của các dân tộc khác. Người Hán giao tiếp hàng ngày thì gọi tên họ chứ không dùng tên cá nhân: Tôn đại nhân, Hoa công tử, Long cô nương, Lý tiểu thư... Trong các giấy tờ mang tính quy phạm như chứng minh thư, bằng tốt nghiệp, giấy tạm trú, tạm vắng...thì yêu cầu phải ghi đầy đủ cả họ và tên. Nói đến tên riêng, người ta thường nghĩ đó là một điều tuỳ ý. Nó tuỳ ý và ai muốn mang tên gì cũng được, một người có thể mang nhiều tên ngoài tên chính thức (tên khai sinh). Chẳng hạn, tên chính thức của em là Phong nhưng ở nhà mẹ gọi em là Mậm,  bố gọi là út... Dễ thấy nhất là việc lấy bút danh của các nhà văn, nhà thơ. Nhà văn Nguyễn Khắc Hiếu lấy bút danh là Tản Đà là tên ghép của núi Tản, sông Đà quê hương ông. Hay nhà thơ Nguyễn Trọng Trí có bút danh là Hàn Mạc Tử... Nhưng tên riêng cũng có mặt pháp luật của nó. Trong giấy khai sinh viết tên gì thì trong tất cả các giấy tờ đều dùng tên đó, kể cả tên đệm. Ví dụ, em tên là Hoàng Mai Trang nhưng em lại viết là Hoàng Thị Mai Trang hoặc Hoàng Thị Trang thì đều không được chấp nhận. Rất nhiều học sinh mắc lỗi này nên giáo viên phải đặc biệt lưu ý để sau này khi các em viết vào các giấy tờ quan trọng cho đúng. Ngay cả chữ kí cũng được pháp luật bảo hộ...
 
Câu chuyện về danh từ riêng còn dài và còn nhiều điều thú vị, ở đây chúng tôi chỉ nêu lên một số điều vắn tắt cốt để nói rằng một vấn đề tưởng như hết sức đơn giản, hết sức khô khan nhưng nếu giáo viên biết khai thác, chọn lọc vẫn có thể giúp học sinh nắm được cái văn hóa về tên riêng của người Việt. Cái văn hoá đủ sức hấp dẫn học sinh, nâng cao hứng thú của học sinh đối với môn Tiếng Việt.
 
Trên đây là một số định hướng về nội dung nhằm nâng cao hứng thú của học sinh đối với môn Tiếng Việt. Trong quá trình dạy học Tiếng Việt giáo viên cần chú ý khai thác những kiến thức liên quan đến bài học để làm phong phú nội dung bài học đồng thời  khơi dậy ở các em lòng ham thích, say mê học tập môn Tiếng Việt.
 
 
                                                                                                  Nguyễn Thị Thúy Hằng
                                                                                                         GV trường Tiểu học Đông Thái - Đức Thọ
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
 Tin mới nhất 

 Thư viện ảnh 

 Văn bản mới 

thoi tiet

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ GIÁO DỤC ĐỨC THỌ
Địa chỉ: Thị trấn Đức Thọ - Huyện Đức Thọ - Tỉnh Hà Tĩnh
Website://pgdductho.edu.vn. Mail: vnomedia.vn@gmail.com

Công ty thiết kế website: VNOMEDIA. Liên hệ: 0989662498
Ghi rõ nguồn "pgdductho.edu.vn" ghi phát lại thông tin trên website này.
© Copyright Phòng Giáo dục và Đào Huyện Đức Thọ. All right reserved
gương dán tường
gương dán tường gương nhà tắm