Trước thực trạng xuống cấp đạo đức báo động của một số bộ phận học sinh hiện nay, Bộ GD-ĐT đã gấp rút lên kế hoạch đưa chương trình kỹ năng sống vào giảng dạy trong trường học.
Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT về vấn đề này. Theo thống kê của cơ quan công an, số đối tượng thiếu niên bỏ học, sống lang thang, bụi đời đã lên đến gần 20.000, thậm chí việc những đối tượng này thông qua Internet kết thành băng nhóm sử dụng ma túy, gây nhiều vụ đánh nhau, cướp tài sản... ngày có xu hướng gia tăng. Điển hình nhất là vừa qua tại tỉnh An Giang, một học sinh lớp 7 đã đánh thầy giáo ngất ngay tại lớp. Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Đạo đức, lối sống của HS,SV được hình thành từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó môi trường giáo dục của nhà trường đóng vai trò quan trọng, góp phần to lớn đối với sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ.
Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường ở nước ta đang phát triển mạnh mẽ kèm theo mặt trái tiêu cực ngoài xã hội đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ và hành động của học sinh cộng với sự phối hợp quản lý của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo và các em thiếu sự quan tâm chăm sóc, động viên, giáo dục gia đình. Về phía nhà trường thì nội dung chương trình giáo dục đạo đức - công dân có bài còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn xã hội, địa phương, phương pháp giảng dạy của giáo viên chậm đổi mới, chưa cuốn hút được học sinh.
Công tác giáo dục đạo đức học sinh trong nhà trường hiện nay chưa đầy đủ, nặng về dạy “chữ” nhẹ về dạy “người”. Một số nơi còn nặng về xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn. Trong nhà trường vẫn còn có thầy, cô giáo vi phạm chuẩn mực đạo đức, chưa thực sự làm gương để học sinh noi theo.
Về phía học sinh, nhiều em còn thiếu hiểu biết về pháp luật, đạo đức, lối sống. Đặc biệt, kỹ năng sống còn kém, chưa biết ứng xử với lối sống có văn hóa, chưa nhận thức được việc phạm tội, vi phạm đạo đức của mình, chưa phân biệt được điều hay lẽ phải và các sai phạm của mình, chủ yếu là đua đòi, phạm tội một cách hồn nhiên. Ít chịu tu dưỡng, rèn luyện, sống buông thả theo thị hiếu tầm thường. Nhiều em có điều kiện kinh tế, dù nhận thức được nhưng do thiếu ý chí phấn đấu vươn lên nên tự buông thả mình và trượt dài trên con đường dẫn tới vi phạm pháp luật, đạo đức.
Trước thực trạng trên, Bộ GD-ĐT đã có những biện pháp nào để khắc phục?
Nhận thức được vai trò quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách của thế hệ trẻ, trong thời gian qua ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, đổi mới về nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức học sinh cả trong các môn học chính khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Bằng tình thương và trách nhiệm với học sinh, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương đạo đức nhà giáo hết lòng trong việc giáo dục, dạy các em biết cách “làm người”. Qua đó, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, có biểu hiện chưa ngoan được các thầy cô uốn nắn kịp thời.
Tuy nhiên, trước tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, tội phạm và bạc lực trong một bộ phận học sinh vẫn sảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là điều trăn trở thường xuyên của ngành giáo dục, những người mang trọng trách cao cả: làm thầy!.
Bộ đã triển khai nhiều phong trào vào trường học như sức khỏe, an toàn giao thông, kỹ năng sống... đặc biệt, phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được các thầy cô giáo, học sinh hưởng ứng tích cực đã giảm được phần nào tình trạng trên. Năm học tới Bộ sẽ đưa kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy trong nhà trường.
Học sinh được học chương trình kỹ năng sống từ năm học 2010 - 2011.
Bộ dự định đưa chương trình kỹ năng sống vào trường học như thế nào thưa ông?
Giáo dục kỹ năng sống hiện nay ở Việt Nam chưa có giáo trình chính thức đưa vào trong nhà trường và cũng chưa có môn học nào gọi là giáo dục kỹ năng sống.
Để đưa kỹ năng sống vào giảng dạy trong trường học, Bộ GD-ĐT đã phải xác định, nếu đưa vào giảng dạy đại trà thì kỹ năng sống gồm những nội dung gì? đưa như thế nào? Người dạy và thời gian như thế nào?.
Tuy nhiên, về vấn đề đưa như thế nào, trong 3 phương án, thứ 1, là lồng ghép vào chương trình học, các môn học, các hoạt động trong nhà trường; thứ 2 đưa vào thành một môn và dạy giống các môn học khác; thứ 3, đưa vào tất cả các môn, môn nào cũng vận dụng. Bộ đã chọn phương án thứ nhất là lồng ghép vào chương trình học, các môn học, các hoạt động trong nhà trường.
Thưa ông, liệu như thế có quá tải với học sinh hay không vì hiện nay các em đang phải chịu quá tải về chương trình học?
Thực ra kỹ năng sống đưa vào các môn không làm quá tải chương trình mà tạo điều kiện truyền tải chương trình. Kỹ năng sống chính là phương pháp nghe học, phát biểu, học tích cực, rèn luyện. Kỹ năng sống là dạy cho cách để học chứ không phải thêm kiến thức để học. Kỹ năng sống chính là dạy phương pháp tích cực để học, dạy học tích cực hơn.
Chính điều này nhiều người chưa hiểu Kỹ năng sống là gì, cho nên mới sợ đưa vào quá tải. Chúng tôi không bao biện cho chương trình. Đây là lồng ghép chứ không tạo thành môn học riêng. Kỹ năng sống muốn có được trước hết phải có kiến thức, được rèn luyện thành khả năng luôn luôn sẵn có trong mình để ứng xử chứ không phải gặp tình huống đó lại mang sách ra đọc.
Xin ông cho biết khi nào thì chương trình Kỹ năng sống được chính thức đưa vào giảng dạy trong trường học?
Khi đưa Kỹ năng sống vào giảng dạy, Bộ đã phải tính toán phù hợp với các kiến thức đã có và giao cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thiết kế giáo trình kỹ năng sống. Nội dung giáo trình căn cứ vào một số chuẩn mực: chương trình giáo dục sống khỏe mạnh, kỹ năng sống cho học sinh THCS, chương trình phát triển tuổi thơ, chương trình trường học thân thiện… Năm học 2009 - 2010 thực hiện thí điểm tại một số địa phương. Đến năm 2010 - 2011 sẽ đưa vào đại trà tất cả các trường từ bậc tiểu học, THCS và THPT dạy tích hợp trong các môn học và hoạt động trong các nhà trường phổ thông.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Báo Dân trí)