Đề thi THPT quốc gia sẽ tương tự năm 2014
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Ðình Chuẩn cho biết: “Ðề thi yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, các câu hỏi mở để trả lời chứ không đặt nặng việc ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn, đúng như những gì bộ đã hướng dẫn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá những năm qua, không có gì bất ngờ đối với thí sinh đã có quá trình học tập bình thường trong năm học. Các nhà trường có thể cho học sinh tham khảo thêm đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ của năm 2014"
* Nhiều trường THPT cho rằng với một kỳ thi có nhiều thay đổi, Bộ GD-ÐT cần công bố cấu trúc đề thi hoặc định hướng cụ thể hơn về nội dung đề thi. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Với việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia cho hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ, đề thi trong kỳ thi sắp tới sẽ có tính phân hóa cao hơn nhưng vẫn bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản.
Thí sinh làm tốt các câu hỏi kiểm tra kiến thức kỹ năng cơ bản có thể đạt yêu cầu công nhận tốt nghiệp THPT.
Những thí sinh muốn có kết quả cao để sử dụng trong xét tuyển ÐH, CÐ cần rèn luyện nhiều hơn với những câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao.
Ngoài việc giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng cơ bản, các thầy cô giáo có thể hướng dẫn học sinh rèn luyện thành thạo với những câu hỏi mở, liên hệ thực tế cuộc sống, đặc biệt là đối với các môn xã hội.
Tùy theo nguyện vọng của mình, thí sinh có thể xây dựng kế hoạch ôn tập khác nhau dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo bộ môn.
* Như vậy đề thi sẽ tăng lượng câu hỏi mở, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống nhưng trên thực tế dạy học ở nhiều trường phổ thông hiện nay học sinh ít được làm quen với yêu cầu kiểm tra, vậy các nhà trường cần làm gì để thích ứng với hướng ra đề này?
- Từ nhiều năm nay, bộ đã yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, thể hiện trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học hằng năm.
Riêng về yêu cầu ra đề kiểm tra, đánh giá và thi, bộ đã có hướng dẫn số 8773/BGDÐT-GDTrH ngày 30-12-2010 về việc hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra theo ma trận với bốn mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao như yêu cầu của đề thi trong những năm qua và năm 2015 tới đây.
Ðồng thời trong những năm qua bộ cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh: đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tăng cường ra các câu hỏi mở; gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội; thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề thi, kiểm tra theo ma trận; nâng cao chất lượng việc kiểm tra các kỹ năng đối với môn ngoại ngữ; tăng cường ra câu hỏi, bài tập kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực.
Các trường thực hiện đúng theo hướng dẫn sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của đề thi. Thực tế những năm qua, nhất là năm 2014, học sinh đã đáp ứng tốt. Ðề thi năm nay vẫn tiếp tục theo hướng đó và phù hợp với thực tế tiến bộ về chất lượng dạy học qua từng năm.
* Theo dự thảo quy chế, kỳ thi sẽ lùi thời gian muộn hơn gần một tháng so với kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức các năm trước. Bộ GD-ÐT có chỉ đạo, hướng dẫn gì để các nhà trường quản lý và tổ chức ôn tập cho học sinh trong thời gian này?
- Cũng như mọi năm, sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch thì học sinh được tự ôn tập. Các trường phải hoàn thành chương trình THPT đúng theo công văn số 4099/BGDÐT-GDTrH về thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015.
Thời gian còn lại chủ yếu dành cho học sinh tự học. Nhà trường nên hỗ trợ học sinh tự học như tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu bổ trợ và giải đáp thắc mắc cho học sinh.
Ngay từ bây giờ các thầy cô giáo ngoài việc tổ chức ôn tập trên lớp cần chú ý đến việc hướng dẫn học sinh cách xây dựng kế hoạch tự ôn tập, thực hiện việc tự ôn luyện, hệ thống kiến thức, những kỹ năng chung và kỹ năng trong từng môn học cần rèn luyện.
Trước khi kết thúc năm học, các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha mẹ học sinh định hướng, nhắc nhở học sinh củng cố kiến thức, giữ gìn sức khỏe trong thời gian tự ôn tập tại nhà để có tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi.
Nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia Theo kế hoạch năm học, các trường THPT cần đảm bảo hoàn thành chương trình lớp 12. Tuyệt đối không được cắt xén chương trình quy định; kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng quy định hiện hành; triển khai công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2015; thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng theo năng lực của các em nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia. Cụ thể các trường cần hướng dẫn học sinh hệ thống hóa kiến thức cơ bản trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, tổ chức ôn tập theo môn học, theo chủ đề. Tùy theo nguyện vọng, năng lực của học sinh có thể tổ chức các lớp ôn tập mức độ khác nhau, trong đó chú trọng phụ đạo học sinh còn hổng kiến thức, học sinh có học lực yếu, chưa thành thạo kỹ năng để các em này có thể đạt yêu cầu công nhận tốt nghiệp THPT. |
Nguồn: Báo Tuổi trẻ