UBND huyện Đức Thọ tổ chức thành công hội thảo "Xây dựng nghị quyết và đề án phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020"
Sáng nay, 08/2/12012, tại hội trường Phòng GD-Đt, UBND huyện Đức Thọ đã tổ chức hội thảo "Xây dựng nghị quyết và đề án phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020". Đồng chí Bùi Hữu Dũng - UVBTV huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện và các đồng chí trong ban soạn thảo chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT, chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong huyện
Sau lời khai mạc của đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Lê Chí Thành, huyện ủy viên, Trưởng phòng GD-ĐT đã trình bày dự thảo Nghị quyết và Đề án phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của huyện nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc, việc Ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá XXVIII chủ trương ban hành nghị quyết
“Về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” là việc làm cần thiết nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với sự tập trung cao độ, dưới sự chỉ đạo của Thường trực huyện ủy, trong khoảng thời gian ngắn, tổ soạn thảo đã hoàn thành việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết và Đề án để xin ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện, các phòng ban cấp huyện. Các văn bản dự thảo cũng đã được chuyển đến các đồng chí lãnh đạo các xã, thị trấn, hiệu trưởng các trường học trong huyện.
Tại hội thảo lần này, đa số các đại biểu đã nhất trí với nội dung 2 bản dự thảo trên, đồng thời cũng thẳng thắn đưa ra một số ý kiến phản biện về quy hoạch mạng lưới trường tiểu học, THCS.
Chủ tịch UBND các xã Đức Lâm, Trường Sơn... cho rằng chủ trương sáp nhập các trường THCS trong vùng để đảm bảo quy mô mỗi trường có từ 16 lớp trở lên là đúng. Song cần tính đến cự li đi học của học sinh cũng như sự lãng phí về CSVC đối với những trường phải sáp nhập với trường khác.
Nhà giáo Trần Viết Niệm - hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong (Dân lập Đức Thọ trước đây) phân tích những bất cập hiện nay về tỷ lệ học sinh vào học các trường công lập và ngoài công lập còn quá lớn; cần có giải pháp điều chỉnh phù hợp theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước...
Nhà giá Đoàn Trung Nga - hiệu trưởng trường THPT Đức Thọ cho biết: hiện nay số học sinh của trường giảm quá nhiều do địa điểm ở cuối huyện; số học sinh thuộc các xã lân cận thuộc huyện Vũ Quang đã chuyển sang học tại trường THPT Cù Huy Cận. Ông Nga kiến nghị huyện nhanh chóng triển khai đề án đưa trường THPT Đức Thọ về địa điểm mới để giữa được quy mô theo quy định và giảm gánh nặng sĩ số cho các trường THPT Minh Khai, Trần Phú.
Nhiều đại biểu là hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS đề xuất cần đưa vào đề án các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó coi trọng việc thu hút giáo viên giỏi từ các nguồn như sinh viên mới ra trường, giáo viên từ nơi khác chuyển về; tăng cường đầu tư kinh phí cho dạy và học...
Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Việc Ban Chấp hành huyện ủy ban hành Nghị quyết và UBND huyện xây dựng Đề án "Phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020" là việc làm đảm bảo tính khoa học và thực tiễn. Để Nghị quyết và Đề án sớm được ban hành và phát huy tác dụng trong cuộc sống thì việc tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến của ngành giáo dục và lãnh đạo các xã, thị trấn là rất cần thiết. Tổ soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện các văn bản dự thảo trình BCH Đảng bộ và UBND huyện.
BNT
Quang cảnh hôi thảo
Trường phòng GD-ĐT trình bày các văn bản dự thảo