Đức Thọ là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Với bao tên làng, tên người đã đi vào ịch sử. Bến Tam soa nơi hợp lưu của 2 con sônng Ngàn Phố, Ngàn Sâu tạo nên con Sông la xanh trong thơ mộng. Bao con người sinh ra từ mảnh đất này đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu để xây dựng nên quê hương Trần Phú, để cho Đức Thọ đi vào tâm thức của muôn người trên vạn nẻo non sông.

Trang thông tin điện tử ngành giáo dục Đức Thọ được xây dựng và vận hành hoàn toàn miễn phí bởi Công ty Truyền thông Trực tuyến Việt Nam.


Khen thưởng Khen thưởng Khen thưởng
 DANH MỤC CHÍNH  
 LIÊN KẾT TRƯỜNG 
 Click vao de xem chi tiet HỆ THỐNG TRƯỜNG THCS

 DÀNH CHO QUẢNG CÁO 
 LIÊN KẾT NHANH 
 Kế hoạch công tác 
Kế hoạch công tác tháng 10-2015


 Thông báo - Giấy mời 

 Thành viên có mặt 

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 2802

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 90513

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 11453339

 
Trang nhất » Tin Tức » Trang viết nhà giáo 15:02 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

LỜI THỈNH CẦU Ở NGHĨA TRANG ĐỒNG LỘC

Thứ sáu - 24/07/2015 09:27
LỜI THỈNH CẦU Ở NGHĨA TRANG ĐỒNG LỘC

LỜI THỈNH CẦU Ở NGHĨA TRANG ĐỒNG LỘC

Hàng năm, cứ vào dịp 27/7 (Ngày Thương binh - Liệt sĩ), hàng vạn lượt người đã về thăm Ngã ba Đồng Lộc – khu di tích lịch sử ghi dấu những chiến công của lực lượng Thanh niên xung phong thời chống Mỹ; nơi yên nghỉ của 10 Cô gái thanh niên xung phong huyền thoại. Xin được giới thiệu với bạn đọc bài thơ Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của nhà thơ Vương Trọng với lời bình của thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền.
LỜI THỈNH CẦU Ở NGHĨA TRANG ĐỒNG LỘC
 
-  Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tướng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.
 
-  Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không? Thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.
 
-  Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
     Ba lần chuyển chỗ nằm, lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.
 
-  Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.
                                     Đồng Lộc, 5 – 7 – 1995
                                                   Vương Trọng
 
Lời bình:
 
       Sự hi sinh của mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc mùa hè năm 1968 là hình ảnh bi tráng của thế hệ trẻ Việt Nam thời đánh Mỹ. Đã có không ít thơ ca tưởng nhớ mười nữ anh hùng. Nếu chọn vài bài thơ hay, sâu sắc và xúc động lòng người nhất về đề tài này thì chắc chắn chúng ta không thể quên Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của nhà thơ quân đội Vương Trọng.
      Ngay từ tên gọi, bài thơ đã đưa người đọc vào một không khí rất trang nghiêm, thành kính. Không khai thác tính chất bi tráng của hình tượng, tứ thơ của Vương Trọng dẫn dắt người đọc tìm về những nẻo khuất tâm hồn mình một cách đầy bất ngờ. Trong nhan đề bài thơ đã có sự định vị, đã thông báo không gian nhưng đây không phải là lời thỉnh cầu của tác giả hay của ai đó khi đến viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc. Chủ thể của những lời thỉnh cầu kia là các liệt sĩ anh hùng. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là kiểu nhân vật trữ tình hoá thân. Đó là điều tạo nên nét mới mẻ và độc đáo của tứ thơ.
      Nhìn vào hình thức kết cấu, ta nhận thấy bài thơ được chia thành bốn phần tương ứng với bốn điều thỉnh cầu của các cô. Đến với bài thơ này, hãy giữ tâm thế như khi trở về với địa chỉ đỏ năm xưa, cứ theo trình tự của những lời thỉnh cầu ấy, để lòng trí ta lắng nghe và cảm nhận.
      Vì sao ta lại về với Đồng Lộc - mảnh đất miền núi xa xôi, cằn cỗi, nghèo nàn? Ta trở về bởi lòng ta đã nhiều lần rưng rưng vì sự hi sinh đồng thời của mười cô gái. Ta trở về bởi đã biết bao lần muốn nói lời cảm phục, tiếc thương. Ta trở về bởi lòng tự hào được đặt chân lên con đường huyết mạch, đến dâng nén tâm hương trước mười di ảnh anh hùng. Bao người về đây đều thành tâm khấn nguyện. Nhưng tôi tin không ít người trong chúng ta chợt giật mình nhận ra bản thân thật vô tình khi nghe lời thỉnh cầu đầu tiên:
-  Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tướng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.
     Chúng ta hướng về các cô, dâng hương cắm đầy các bát nhang mà đôi khi quên dành phần cho đất. Đã có hàng trăm con người hi sinh để giữ cho mạch máu Đồng Lộc này thông suốt, thân xác họ đã vĩnh viễn hoà tan vào trong đất mẹ. Các cô không muốn vì mình mà các chiến sĩ, các đồng đội thanh niên xung phong bị lãng quên. Vì thế các cô mới xincác đoàn khách đến thăm hãy chia lòng tưởng nhớ cho đều khắp. Lời các cô nghẹn ngào: Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi/ Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc. Đó là mong muốn một lẽ công bằng tự nhiên; sự khiêm tốn, chân thành át đi giọng bi thiết. Mặt đất cỏ lan, vùng trời toả nắng ở đây là hình ảnh biểu tượng của thanh bình. Các cô đã chung hưởng đất trời với đồng chí, đồng đội nên các cô mong được hưởng chung lòng tưởng nhớ. Đó là lời thỉnh cầu của các cô và cũng là sự lên tiếng của lịch sử.
      Đoạn thơ tiếp theo hướng đến đối tượng cụ thể:
-  Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không? Thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.
      Về Đồng Lộc, có rất nhiều đoàn khách thiếu nhi, các em đến đây còn bị hoa cỏ may khâu nặng ống quần. Đồi Trọ Voi còn nhiều cỏ may nghĩa là đất đai còn hoang sơ, môi trường còn thiếu sức sống. Cỏ may là một loài cỏ dại. Một đất nước hoà bình, có điều kiện dựng xây, cần phải cải thiện môi trường sống. Như những ngườì chị trong nhà, rất thân tình, các chị đã bày tỏ một mong muốn cao cả, nhắn nhủ các em tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống. Không quá sức đối với các em, đó là việc các em hoàn toàn có thể làm được - tuổi nhỏ làm việc nhỏmà! Thỉnh cầu đó sẽ được các em hăng hái thực hiện vì các chị nằm còn khát bóng cây che.
      Với thanh niên, các chị thỉnh cầu:
-  Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
     Ba lần chuyển chỗ nằm, lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.
      Câu đầu của khổ thơ này nói lên một nghịch lý đau thương ai cũng có thể hiểu và thông cảm. Nhưng các cô không nói để sẻ chia mà nói để thỉnh cầu, nhắn nhủ. Lời nhắn nhủ thật cảm động:Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc/ Về bón chăm cho lúa được mùa hơn.Thời đại của các cô là thời cả dân tộc nêu cao khẩu hiệu biến đau thương thành hành động. Dân tộc đói nghèo, kháng chiến gian khổ, ác liệt nên các cô quyết tâm sống, chiến đấu vì ấm no và hạnh phúc cho dân tộc mình. Để lời nhắn nhủ tìm vào sâu thẳm những trái tim, các cô nhắc đến một chi tiết chân thực đến đau xót về bữa ăn cuối cùng không có gạo. Các bạn thanh niên đã hăng hái lao động sản xuất cho đất nước ta thu được những mùa vàng, hãy nghĩ đến sự khốc liệt của đói khổ trong quá khứ, để quyết tâm xây dựng tương lai đất nước phồn vinh.
      Ba khổ thơ trên là những lời thỉnh cầu cho đồng đội, cho môi sinh, cho đất  nước. Vậy các cô cần gì cho bản thân mình? Các cô vĩnh viễn nằm lại đất sâu ở lứa tuổi đẹp nhất đời người, khi tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu. Sự hi sinh của những người con gái trong cái ngày đau thương ấy được đặc tả bằng một hình ảnh chân thực đầy ám gợi: Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được.  Thiệt thòi và đau thương là thế nhưng mong muốn của các cô thật quá khiêm nhường: Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết. Một loài cây hết sức quê kiểng, gợi một thứ hương thơm thanh khiết rất đỗi quen thuộc với những người con gái sông La yêu nước, yêu đời. Trong nghi ngút trầm hương của những tấm lòng về đây tưởng nhớ, các cô thỉnh cầu một chút hương quê chia đều trong hư ảo - một thỉnh cầu không hề gợn chút gì vị kỉ; một thỉnh cầu rất nữ tính, thanh xuân.
      Bài thơ nhắc nhủ mọi người khi tưởng nhớ quá khứ hãy biết sống vì hiện tại và tương lai cho có ý nghĩa. Người đã hi sinh sẽ thanh thản, siêu thoát khi những người còn lại và lớp kế tục không ngừng xây dựng, phát huy những gì dân tộc đã giành được.
      Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc được viết bởi một nhà thơ mặc áo lính. Chất lính, lí tưởng dân tộc và thời đại thấm sâu vào trong máu thịt nhà thơ. Nên ở đây, khi hoá thân vào nhân vật, Vương Trọng đã tự tin thể hiện sự sáng tạo độc đáo và ông đã thành công. Trong bài, tác giả không đóng vai trò chủ thể trữ tình mà gián tiếp bộc lộ tư tưởng, tình cảm. Chính hình thức lời thỉnh cầu gợi nên không khí thiêng liêng, thành kính, chuyển tải được những thông điệp giản dị nhưng gần gũi, chân thành, cảm động và sâu sắc. Sức sống của thi phẩm được biểu hiện cụ thể khi rất nhiều khách thăm viếng Đồng Lộc đã lắng nghe, ghi chép và thuộc nằm lòng. Thơ có số phận như thế quả không nhiều!
 
 
                                                Nguyễn Thanh Truyền
                                             
Tổng số điểm của bài viết là: 38 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
 Tin mới nhất 

 Thư viện ảnh 

 Văn bản mới 

thoi tiet

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ GIÁO DỤC ĐỨC THỌ
Địa chỉ: Thị trấn Đức Thọ - Huyện Đức Thọ - Tỉnh Hà Tĩnh
Website://pgdductho.edu.vn. Mail: vnomedia.vn@gmail.com

Công ty thiết kế website: VNOMEDIA. Liên hệ: 0989662498
Ghi rõ nguồn "pgdductho.edu.vn" ghi phát lại thông tin trên website này.
© Copyright Phòng Giáo dục và Đào Huyện Đức Thọ. All right reserved
gương dán tường
gương dán tường gương nhà tắm