Thú vị chuyến du lịch khám phá Miền Tây Nam bộ
Tôi không nhớ ai đó đã viết: Miền Tây Nam bộ là một vùng đa dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo, bước chân ra ngõ là gặp lễ hội. Kênh rạch chằng chịt, hoa thơm quả ngọt bốn mùa hấp dẫn du khách… “Chỉ bán khí trời cũng giàu rồi”, một nhà đầu tư Nhật thốt lên khi khảo sát 5 cồn dọc sông Hậu. Vẻ đẹp chín Rồng thật lung linh, quyến rũ.
Nung nấu về một chuyến đi khám phá vẻ đẹp Miền Tây Nam bộ đã có từ lâu nhưng đến nay mới thực hiện được. Chọn ngày lành đầu tháng 7/2012, đoàn chúng tôi gồm 23 thành viên hồ hởi lên đường.
14h10 ngày 4/7, chuyến bay VN1263 hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, xe của công ty du lịch đưa đoàn đi thẳng đến thành phố Cần Thơ. Sau 5 tiếng ngồi xe, qua cầu Mỹ Thuận (Sông Tiền) và cầu Cần Thơ (Sông Hậu), 7h chiều đoàn đến Bến Ninh Kiều, một điểm du lịch mà không một du khách nào bỏ qua khi đến vùng đất Tây Đô này. Được biết từ trước nay chưa có một văn bản nhà nước nào chính thức gọi Cần Thơ là Tây đô (Thủ đô miền tây). Tuy nhiên do vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, thương mại, công kỹ nghệ và cả quân sự đều ở turng tâm khu vực châu thổ sông cửu long nên từ trước đến nay Cần thơ được coi là vị trí trung tâm của vùng.
Bến Ninh Kiều nằm bên hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố. Đây là nơi hấp dẫn du khách bởi phong cảnh sông nước hữu tình và vị trí thuận lợi nhìn ra dòng Hậu Giang hiền hòa.
Trên Du Thuyền 3 tầng hiện đại, chúng tôi vừa được thưởng thức các món ăn đặc sản như cá diêu hồng, canh chua bông súng…, vừa ngắm dòng sông Hậu lung linh ánh đèn, cùng với một chương trình văn nghệ đặc sắc.
Ăn tối trên du thuyền Sông Hậu
Sáng 5/7, đoàn rời khách sạn 3 sao Dona, ngồi ca nô đến với chợ nổi Cái Răng và khu du lịch miệt vườn Mỹ Khánh. Từ bến Ninh Kiều đến khu vực Chợ nổi Cái Răng mất khoảng 30 phút. Chợ nổi có cách chào hàng rất độc đáo: người bán không rao mà treo hàng lên cây bẹo (sào) trước cửa tàu, ghe hàng để giới thiệu. Trên sào treo thứ gì thì thuyền bán thứ đó. Khách nhìn hàng mẫu treo trên sào để tìm đến mua. Em Dũng – Hướng dẫn viên du lịch nói vui: ở đây có thứ có bán có treo và có thứ có treo nhưng không có bán. Hỏi: thứ treo không bán là gì? Dũng chỉ những sào phơi quần áo của nhà thuyền.
Chợ nổi Cái Răng
Vườn du lịch Mỹ Khánh rộng hơn 7ha, có nhiều loại cây trái, hoa cảnh và nhiều loại động vật như: chim, khỉ, cá sấu, ba ba…
Tại đây, ta có thể tự do đi dạo trong vườn cây xanh mát, chụp hình, tham gia trò chơi câu cá sấu, xem đua chó, đua lợn, xiếc khỉ, tham quan nhà cổ Nam bộ và tìm cảm giác mạnh trong ngôi nhà chín tầng địa ngục.
12h đoàn ăn trưa tại nhà hàng đặc sản ngay trong khu du lịch sau đó tiếp tục hành trình trên ô tô để đến Sóc Trăng ghé thăm 2 ngôi chùa nổi tiếng là Chùa Dơi và Chùa Đất Sét.
Chùa Đất Sét còn gọi là chùa Bửu Sơn Tự (được xây dựng cách đây 200 năm), ngôi chùa với hàng ngàn tượng lớn nhỏ bằng đất sét, cột chùa cũng bằng đất sét. Độc đáo hơn nơi đây còn có 8 cây đèn cầy nặng tổng cộng 1,4 tấn; mỗi cây cao 2,6m, ngang 1m (chứa 200kg sáp), được đúc năm 1940. Bình quân mỗi cây đèn cháy suốt ngày đêm phải mất 70-80 năm.
Tham qua chùa Đất Sét
Chùa được xây dựng cách đây 200 năm, do một người trong dòng họ Ngô sáng lập. Người làm các bức tượng trong ngôi chùa này là ông Ngô Kim Tòng. Hơn 1000 pho tượng lớn nhỏ ông tạc, nặn một cách tinh tế trong vòng 42 năm.
Đây được xem là ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Chùa Dơi được xây dựng cách đây 400 năm. Chùa có nhiều bảo vật quý gồm tượng Phật và tứ linh Long-Ly-Quy-Phượng. Nếu như chùa Đất Sét mang nét kiến trúc của Phật giáo thì chùa Dơi lại mang nét kiến trúc Khơ me với các biểu tượng đầu rắn trên mái chùa và các bức họa trang trí bên trong ngôi chùa.
Chụp ảnh lưu niệm tại Chùa Dơi
Chùa có tên là chùa Dơi vì ngôi chùa này từ lâu đã là nơi trú ẩn của khoảng 1 triệu con dơi, phần lớn có sải cánh 1-1,2 m những con lớn nhất có sải cánh lên tới 1,5 m.
Theo lời một vị sư của chùa thì trước năm 2000, số lượng dơi rất nhiều, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng một nửa. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều người săn bắt bán cho các quán xá chế biến làm món ăn.
Rời Sóc Trăng, xe trực chỉ thành phố Cà Mau. So với miền Bắc, đường sá trong này tốt hơn nhiều. Song song với đường bộ là những kinh rạch thẳng tắp cũng tấp nập ghe thuyền không kém xe cộ trên bộ. Sự hình thành những kinh rạch này có lẽ từ việc lấy đất đắp đường chăng ? (đoán vậy vì Nam bộ đâu có đồi núi để lấy đất đắp đường như ngoài mình). Cứ vài cây số lại có một bến phà hoặc cây cầu bắc qua kinh đủ cho người và xe máy qua lại. Quan sát cửa hiệu bên đường thấy rất ít quán internet mà lại rất nhiều quán cà phê võng (lại nhớ đến vụ một nam thẩm phán ôm nữ đồng nghiệp trong quán cà phê võng ở Sóc Trăng mà báo chí đã đưa tin hồi năm ngoái).
Thành phố Cà Mau là tỉnh lị của tỉnh Cà Mau. Tuy mới được công nhận là đô thị loại 2 từ năm 2010 nhưng nhà cửa, phố xá khá sầm uất, mang dáng dấp hiện đại. Đúng lúc đoàn đến, siêu thị BigC Cà Mau khai trương (ngay cạnh khách sạn Quốc tế nơi đoàn lưu trú) nên đường phố đông nghịt người.
Tham quan Đất Mũi. Từ thành phố Cà Mau, lên ca nô cao tốc (60km/h) để đến Đất Mũi. Hai bên bờ sông, ở những khu vực trung tâm như thị trấn, thị tứ, cửa hàng, cửa hiệu san sát. Biển hiệu có nhiều điểm khác với ngoài Bắc như nơi bán đồ mộc thì gọi là Trại (Trại cây, trại Hòm, Trại đồ mộc…), nơi mua bán nông sản, hải sản thị gọi là Vựa (Vựa lúa gạo, Vựa Tôm, Vựa cá…)
Phố trên Sông
Càng xa thành phố, dân cư càng thưa thớt. Đôi bờ bạt ngàn dừa nước, đước, tràm. Phương tiện đi lại củ yếu là xuồng máy. Ca nô xuyên qua vườn Quốc gia Cà Mau cập bến Đất Mũi.
Tổ quốc ta như một con tàuMũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau. (Xuân Diệu)
Mọi người trong đoàn đều có chung một cảm giác vui sướng, tự hào khi được đặt chân lên điểm cựcNamcủa Tổ quốc. Khách du lịch đến đây khá đông, phần lớn đều đi theo đoàn. Mọi người tranh nhau vị trí chụp ảnh bên cạnh biểu tượng thuyền Đất Mũi và cột mốc chủ quyền. Đứng trên chòi canh cao 20m, phóng tầm mắt bạt ngàn màu xanh của vườn quốc gia Cà Mau…
Những điều quan sát và cảm nhận được về cảnh vật sông nước hôm nay sẽ bổ sung thêm nguồn thư liệu dạy học của các thầy cô trong đoàn (như bài Sông nước Cà Mau – Ngữ văn 6 chẳng hạn).
Rất tiếc vì không có điều kiện thời gian để tìm đến “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Cà Mau Nguyễn Thị Ngọc Tư để hiểu thêm về cuộc sống của những người dân “trông chừng rất lầm lũi, đến mức gần như hoàn toàn hoang dã, hoang dại ấy, lại chất chứa cả một thế giới đời sống nội tâm sâu thẳm, phong phú, phức tạp và đẹp đẽ biết dường nào” (Nguyên Ngọc)
Bùi Năng Tiến
(
Xem tiếp)