Lễ vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh sẽ diễn ra vào 31/1/ 2015
Sáng 25/12, tại Hà Nội, Bộ VH,TT&DL phối hợp với 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo công bố về Lễ vinh danh và đón nhận Bằng UNESCO vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 31/1/ 2015, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP. Vinh (tỉnh Nghệ An).
Lễ vinh danh gồm 2 phần: phần lễ và chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Về miền ví dặm” sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 và VTV4.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014, tại Paris, Pháp. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nông Quốc Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL cho biết: “Việc dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc biệt này, đồng thời sẽ giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể.”
Để bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm trong thời gian tới, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa cơ sở dữ liệu dân ca Ví, Giặm, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo khoa học, đề ra các giải pháp sân khấu hóa dân ca tiếp tục phát triển trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của di sản. Ngoài ra, tổ chức nhiều câu lạc bộ mở các lớp truyền dạy dưới nhiều hình thức, mời các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ. Phát huy xây dựng phong trào hát dân ca rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, làm cho Ví, Giặm đi sâu hơn nữa vào đời sống cộng đồng, được cộng đồng đón nhận, lưu truyền và phát huy. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành các chính sách đãi ngộ nghệ nhân. Chú trọng việc vinh danh và bảo vệ nghệ nhân. Lập danh sách các nghệ nhân tiêu biểu, xây dựng hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Khuyến khích họ sinh hoạt và truyền dạy tại cộng đồng và trong các Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng đinh: “Việc bảo tồn đã được thực hiện từ lâu, không phải chỉ khi được vinh danh chúng tôi mới nghĩ đến chuyện bảo tồn. Trên thực tế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thành lập những trung tâm bảo tồn dân ca Ví, Giặm, nỗ lực làm sao để di sản này sống trong lòng người dân. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng vào việc phát triển, chăm lo và vinh danh đội ngũ nghệ nhân, lực lượng chủ chốt để bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm”.