Làng trẻ em SOS - một lần tôi đến

Đoàn Xuân Bảo tặng quả cho trẻ em tại làng SOS Hà Tĩnh

Đoàn Xuân Bảo tặng quả cho trẻ em tại làng SOS Hà Tĩnh

Đã từ khá lâu tôi nghĩ đơn giản về cuộc sống. Đơn giản đó là sự khiêm tốn, giản dị, biết tin yêu con người và cuộc sống, biết bao dung vị tha, biết yêu thương chia sẻ. Đơn giản đó là sự thanh thản trong tâm hồn. Chính lúc này đây tôi có rất nhiều điều đáng để nói ra sau một buổi đi từ thiện. Nhưng có lẽ tôi không cần phải nói nhiều, bởi nói nhiều hẳn sẽ làm ai đó không vui. Nên có lẽ là tôi chỉ nói chút ít thôi.

Chiều nay tôi đến làng trẻ em SOS Hà Tĩnh thực hiện hạnh nguyện của mình. Kế hoạch đã không diễn ra như định trước. Đầu tiên là tôi phải mất khá nhiều thời gian cho việc kiểm tra tài khoản ngân hàng để rút tiền thêm vào cho đủ số tiền 1 triệu đồng như hạnh nguyện ban đầu. Chạy qua chạy lại giữa Ngân hàng Agribank và Vietcombank ở Hồng Lĩnh, rồi lại đến Ngân hàng Vietcombank Can Lộc, lại ghé vào ngân hàng Agribank Thạch Hà, nhưng kết quả cuối cùng là không có đồng nào được chuyển vào tài khoản của tôi như lời hứa cách đây 3 hôm của người bạn. Tôi không buồn về chuyện này, cũng không giận người bạn ấy. Chỉ thấy thương cho bạn ấy thôi. Thương vì không hiểu sao bạn ấy đã hứa ủng hộ tôi rồi, tôi cũng tin tưởng bạn nên cho đến giờ phút xuất hành mới chạy ra máy ATM rút tiền. Thế mà sau 5 lần cẩn thận kiểm tra cả hai ngân hàng thì đều không thấy. Tôi không nghĩ về điều này nữa. Tôi chạy thẳng vào thành phố Hà Tĩnh.

Dừng xe lại bên đường đoạn đầu thành phố hỏi một người đàn ông là dân ở đó về địa chỉ làng SOS. Chú ấy bảo chú ấy làm ở Sở Lao động – Thương binh – Xã hội. Làng trẻ em SOS không phải ở địa chỉ Xóm Thanh Phú xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh như người bạn tôi đã hướng dẫn. Mà nó nằm ở vị trí cũ, tức là ở Phường Đại Nài, cách đó chừng 7km nữa. Tôi lại chạy xe vào tận chỗ đó rồi ghé một đại lý mua một thùng quà gồm bánh, kẹo và sữa cho các em. Cô bán hàng đóng gói xong thùng quà, tôi lại mang vội lên xe chạy đến nơi tưởng chừng đã đúng địa chỉ. Trời đã xế hẳn về chiều. Đến nơi thì không thấy làng trẻ ở đâu. Hỏi một em trai mới biết là mình lại đến không đúng địa chỉ. Sau một lúc hướng dẫn không rõ ràng, tôi quay ra hỏi một chị lớn tuổi hơn, chị này chỉ đúng nhưng dài và khó nhớ quá nên đi một đoạn nữa tôi lại hỏi bác xe ôm. Bác ấy chỉ chi tiết địa chỉ và cuối cùng tôi đã đến nơi. Lúc này trời đã nhá nhem tối.

Ghé vào làng trẻ, ở đây thấy vắng tanh vắng ngắt. Tôi tưởng là hôm nay không có một ai. Quay ra tìm người để hỏi thăm thì gặp một anh thanh niên đi vào. Tôi nhờ anh hướng dẫn tôi ra khu phía sau mới là nơi sinh hoạt ăn ở của các em, còn khu mà tôi đang đứng là khu văn phòng. Đến nơi của các em, lúc này đèn đã lác đác được bật sáng ở một số chỗ. Các em tản mác một đứa một nơi, sau một lúc mới tập hợp lại được nhưng cũng không đông đủ. Hôm nay là chủ nhật nên chỉ có một người phụ nữ trực. Sau một thoáng thắc mắc, tôi trình bày nhanh vấn đề muốn tặng quà cho các em, chị ấy vui vẻ tiếp đón tôi. Chị này có lẽ không khéo trong giao tiếp nên đã điện thoại cho một chị khác khéo ăn nói hơn đến để làm việc với tôi.

Các em được tập trung lại ở nhà ăn tập thể, mọi người quây quần bên bàn và lắng nghe tôi tâm sự. Tôi chỉ nói qua thông tin về bản thân và nói lên những ý nghĩ tốt nhằm gửi đến các em một thông điệp về cuộc sống là: Hãy biết vượt qua hoàn cảnh, số phận để hướng về tương lai phía trước. Hãy tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Hãy cố gắng học tập và lao động vì chỉ có lao động mới làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Sau đó tôi chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Tôi thấy nhiều em đã khóc. Sau khi tôi trình bày xong, chị phụ trách mà các em gọi là mẹ đã thay mặt cơ quan cảm ơn tôi. Chị xin phép không xưng tên và chị nói:

 - Cho phép chị xưng em để được thân mật hơn nhé! Có thể về vật chất mình không lớn nhưng em đã mang một ngọn lửa đến đây gieo niềm tin cho các cháu để các cháu sống tốt hơn. Tất nhiên mình có thể thiệt thòi so với xã hội bên ngoài, nhưng đến bây giờ thì các cháu vẫn được học hành, vẫn được sự dùm bọc chở che của tất cả mọi thành viên trong xã hội, nhất là những người có hoàn cảnh như em hiện nay mà em vẫn đến với các cháu để truyền thêm nghị lực cho các cháu.

 Chị quay sang nhìni các em nói tiếp:

 - Các con hãy nhận lại từ anh ngọn lửa ấy và vươn lên trong cuộc sống. Một con người đã và đang trải qua một hoàn cảnh quá đặc biệt như vậy mà vẫn sẵn sàng sống vì người khác. Vẫn đến đây mang ngọn lửa sưởi ấm cho các con. Ngay cả bản thân mẹ cũng phải học tập. Món quà tuy ít ỏi nhưng tấm lòng của em thì vô bờ. Người ta có tiền tỷ đến đây làm từ thiện cũng không bằng một lời nói của em giúp cho các cháu vững niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Con người ta hơn nhau ở nghị lực sống. Chị thay mặt anh chị em làm việc ở đây gửi lời cảm ơn em không chỉ về món quà mà chị cảm ơn nhiều nhiều về câu chuyện của em đã truyền nghị lực sống đến cho các em ở đây.

Chúng tôi trò chuyện dăm phút nữa rồi lưu lại số điện thoại của nhau để liên lạc. Tôi không có nhiều thời gian để đi thăm tất cả những điều tôi muốn vì lúc này trời đã tối hẳn. Nhưng tôi rất vui vì nhận thấy ở đây các em sống rất vui vẻ, đoàn kết, thương yêu nhau. Điều này làm tôi vui lắm! Tôi chào và chia tay các em. Chị tiễn tôi ra cổng và chúc tôi thượng lộ bình an. Lúc này tôi thấy gương mặt chị đã thể hiện rất rõ niềm xúc động.

 Tôi lên xe tiếp tục hành trình trở về. Trong lòng thấy vui và thanh thản. Dọc đường về tôi gặp một điều nghịch duyên, nhưng tôi không bận lòng.

                                                                     Đoàn Xuân Bảo

                                                                     (Bài từ Facebook)