GS Phong Lê như tôi nghĩ

GS Phong Lê như tôi nghĩ
Ông là một trong những nhà nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam tiêu biểu, thuộc thế hệ Macxit thứ hai ở Việt Nam. Năm nay GS. Phong Lê tròn 70 tuổi, với trên 40 năm hoạt động văn học không ngừng nghỉ. Tôi muốn nhân dịp này bày tỏ cảm nghĩ về ông như một người thuộc thế hệ sau, nghĩ về một nhà nghiên cứu đàn anh.
 
 
“Như tôi nghĩ” tức là nhiều sự chủ quan, tức là điều/người được nói đến có thể là như vậy mà cũng có thể chưa hẳn như vậy. Bạn đọc, nếu ai có thịnh tình ngó đến những dòng này xin để ý cho điều ấy.
 
Ông là một trong những nhà nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam tiêu biểu, thuộc thế hệ Macxit thứ hai ở Việt Nam. Năm nay GS. Phong Lê tròn 70 tuổi, với trên 40 năm hoạt động văn học không ngừng nghỉ. Tôi muốn nhân dịp này bày tỏ cảm nghĩ về ông như một người thuộc thế hệ sau, nghĩ về một nhà nghiên cứu đàn anh.
 
“Như tôi nghĩ” tức là nhiều sự chủ quan, tức là điều/người được nói đến có thể là như vậy mà cũng có thể chưa hẳn như vậy. Bạn đọc, nếu ai có thịnh tình ngó đến những dòng này xin để ý cho điều ấy.
 
Tôi không phải là người được gần gũi nhiều với GS. Phong Lê, không có nhiều kỉ niệm với ông, khi tôi về Viện văn học (năm 1996) thì ông đã thôi chức Viện trưởng. Viện trưởng lúc ấy là GS. Hà Minh Đức, người đã nhận tôi về Viện văn học. Không còn làm Viện trưởng, ông ít có mặt ở Viện, chỉ đến những khi có việc, xong lại về ngay. Tôi, thú thật, cũng không phải người hâm mộ lắm những trang viết của Phong Lê. Tôi vốn thích loại văn giàu biểu tượng, nhiều dằn vặt, đắn đo (đắn đo chứ không phải quanh co), mà văn của ông lại đi cứ phăng phăng. Nhưng đấy là với văn viết, còn với văn nói của ông thì lại khác. Phong Lê thuyết trình rất hấp dẫn và tôi thực sự là một fan trước những diễn ngôn bằng lời của ông. Khi ông nói về khoa học hay các vấn đề khác cũng vậy, bao giờ tôi cũng thấy thích thú và bị cuốn hút bởi lôgic suy nghĩ, cảm xúc dâng trào và ngôn từ thành thực của ông. Nghĩ đến những diễn ngôn bằng lời của Phong Lê tôi hay tưởng tượng ra những lớp sóng ngôn từ xô đẩy hồn nhiên. Những khi họp, tôi hay ra ngoài đổi không khí, tính tôi hay vậy, không chịu nổi sự đơn điệu, buồn chán vốn có trong những cuộc họp thông thường của chúng ta. Nhưng khi Phong Lê phát biểu, bao giờ tôi cũng ngồi nghe đến cùng, bản thân phát biểu của ông đã là sự thay đổi không khí rồi, khỏi phải ra ngoài nữa. Ông vốn không phải người nói ngắn, nhưng ngồi nghe không ai có cảm tưởng ông nói quá dài. Ông dừng bài phát biểu bao giờ cũng đúng lúc: cảm xúc đã tác động đến người nghe, con sóng đã dâng đến cao trào và đột ngột... dừng lại. Hầu như luôn có những tràng vỗ tay và tiếng cười thích thú sau đó. Tôi còn nhớ lần ông nói về Vũ Ngọc Phan ở Hội trường Lê Hồng Phong nhân lễ tưởng niệm Vũ Ngọc Phan năm 2007. Sau bài phát biểu của ông, nhiều người ngồi quanh tôi tỏ rõ sự thán phục. Có người nói: “Rất xứng đáng là đại biểu Viện Văn học”.
Nhưng đấy là chuyện Phong Lê nói trước đông người, ở tôi còn có một hình ảnh khác của ông.
 
Cách đây chưa lâu, tôi và một đồng nghiệp ở Viện Văn học đến thăm chị Vân Thanh bị tai nạn gãy tay do ngã. Sau khi thăm bệnh nhân, chúng tôi sang phòng Phong Lê, anh em trò chuyện thân mật rồi như lệ thường câu chuyện quay sang những vấn đề của đời sống học thuật, văn chương. Trái ngược với một hình ảnh Phong Lê trước cử tọa đông đảo luôn hùng biện, đầy cảm xúc, thẳng thắn trong các đánh giá, ở đây là một Phong Lê rất kiệm lời, dè dặt. Toàn những câu đại loại: “Chưa chắc đã phải như thế”, “Đấy là ý của các bạn”, “Cứ để xem sao nhỉ (!), mình đang suy nghĩ”. Sau này tôi để ý, trong không khí thân tình, Phong Lê hầu như đều vậy chứ không phải chỉ hôm ấy. Tôi cứ bị ấn tượng về hai hình ảnh đối lập đó ở ông và đôi lúc nghĩ giá chúng hóan đổi cho nhau thì biết đâu sẽ hay cho ông, ít nhất là trên con đường quan lộ. Tức là trước cử tọa đông người, hội nghị này hội nghị nọ, ông cứ kiệm lời, dè dặt, nhận xét chung chung, còn với những cuộc trò chuyện thân tình, ông cứ “vô tư”. Như thế có lẽ sẽ không có “tai nạn” dịp đầu đổi mới ấy. Khi ấy, như mọi người còn nhớ, báo Văn nghệ - Ban Văn hóa văn nghệ TW - Viện Văn học làm thành cái tam giác trong đổi mới văn hóa văn nghệ. Tất cả giới văn nghệ sĩ đều châu tuần về đấy. Phong Lê lúc đầu không nổi bật như Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Hạnh và những người khác, nói chung ông chưa phải ngọn cờ. Khi công cuộc đổi mới cần có sự định hướng, ngọn lửa cần được giảm nhiệt để khỏi bùng cháy không thể kiểm sóat thì tình hình biến đổi hẳn. Năm 1988 Nguyên Ngọc thôi chức Tổng biên tập báo Văn nghệ, đầu những năm 90, Nguyễn Văn Hạnh và nhóm của ông rời khỏi Ban Văn hóa văn nghệ TW. Vì thế, sau đấy mọi con mắt đổ dồn về phía Viện Văn học và người Viện trưởng với những phát biểu đầy hào hứng và thẳng thắn bỗng thành một ngọn cờ. Phong Lê BỊ NHÌN! (sử dụng một thuật ngữ rất hay của khu vực quan trường). Rồi cái gì phải đến đã đến. Năm 1995, ngọn cờ ở đỉnh cuối cùng của tam giác đã bị nhấc đi. Đại thể đến nay tôi nghĩ về ông với những chuyện ấy là như vậy (?). Cũng cần nói thêm rằng năm 1995 có thể coi là điểm kết thúc giai đoạn đầu của Đổi mới trong văn nghệ (10 năm). Có thể gọi đây là giai đoạn “phản tư”, nền văn học cũ bị phê phán bởi chính những người đã làm nên nó. Từ sau đấy là giai đoạn kiến tạo những giá trị thực sự mới bởi một thế hệ mới, dù vẻ ngoài dường như là quay lại thời kì trước Đổi Mới.
 
Về nghiên cứu của ông đã và sẽ có nhiều người viết, qua những lần được làm việc với ông và theo dõi những công trình của ông tôi thấy ông thường đi vào các hiện tượng tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại: Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân. Ông không phải là mẫu nhà nghiên cứu thầm lặng khảo chứng, sưu tầm, khôi phục tác giả này, tìm ra văn bản tác phẩm nọ. Ông thích đi trên “đại lộ” của đời sống văn học, cái giọng “phố nhỏ, ngõ nhỏ…” không có ở ông. Nhưng đấy là trong nghiên cứu. Còn trong đời thường thì phải qua một phố nhỏ, ngõ nhỏ, rồi lại còn phải lên hàng chục bậc cầu thang chung cư mới tới nơi ở của gia đình ông. Những khi có việc đi qua ngõ nhỏ đó, tôi hay nhìn lên cái chung cư cũ kỹ, màu sắc loang lổ, các cửa sổ, ban công cọc cạch đủ kiểu... Nó nằm đối diện với trung tâm chiếu phim Quốc gia. Rồi sẽ có một nhà đạo diễn nào đó nhận ra sự cần thiết của nó cho một bộ phim kể về “Thời xa vắng”. Khi ấy, trong đầu tôi luôn xuất hiện hình ảnh một căn phòng cũ, nửa sáng nửa tối, sách vở rất nhiều, chất đống trên sàn, trên giá đỡ cũ kĩ, đồ đạc bề bộn. Rồi một chiếc ghế xoay bọc da rất to. Một con người khắc khổ ngồi trong đó đang hì hục viết, một biểu tượng rất cảm động (cùng với hình ảnh người phụ nữ đang ngồi đọc bên cửa sổ) của thế giới văn hoá đọc đang dời xa chúng ta.
 
                                                                                                  Trịnh Bá Dĩnh - 2008
                                                                                          (Website Hội nhà văn Việt Nam)