Một số điểm cần lưu ý về thực hiện Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT

Ngày 12/12/2011, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT (gọi tắt là thông tư 58) thay thế Quyết định số 40/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/10/2006.
 
Sau đây là một điểm cần lưu ý khi triển khai thực hiện thông tư này

1. Môn Giáo dục công dân sẽ được đánh giá học lực bằng hình thức kết hợp giữa đánh giá bằng cho điểm và nhận xét kết quả học tập. Cụ thể, đánh giá bằng cho điểm kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với từng chủ đề; đánh giá bằng nhận xét về sự tiến bộ thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh.

Kết quả nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh không ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm, mà được giáo viên môn Giáo dục công dân theo dõi, đánh giá, ghi trong học bạ và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm sau mỗi học kỳ tham khảo khi xếp loại hạnh kiểm.

2. Môn Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật: Đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập (gọi tắt là đánh giá bằng nhận xét). Căn cứ chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; thái độ tích cực và sự tiến bộ của học sinh để nhận xét kết quả các bài kiểm tra theo hai mức: Đạt yêu cầu (Đ) hoặc Chưa đạt yêu cầu (CĐ).

 3. Các môn khác, đánh giá bằng cho điểm (kiểm tra thường xuyên tính hệ số 1, kiểm tra viết và kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên tính hệ số 2, kiểm tra học kỳ tính hệ số 3.

Điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) là điểm trung bình cộng của các bài KT­tx, KTđkvà KThk với các hệ số qui định trên.

Điểm trung bình môn  cả năm (ĐTBmcn) là trung bình cộng của ĐTBmhkI với ĐTBmhkII trong đó ĐTBmhkII tính hệ số 2.

Điểm các môn học kỳ (ĐTBhk) là trung bình cộng của điểm trung bình môn học kỳ của các môn học đánh giá bằng điểm.

Điểm trung bình các môn cả năm học (ĐTBcn) là trung bình cộng của điểm trung bình cả năm của các môn học đánh giá bằng điểm.

4. Quy chế cũng hướng dẫn đánh giá học sinh khuyết tật theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của học sinh là chính. Học sinh khuyết tật có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục THCS, THPT được đánh giá, xếp loại theo các quy định như đối với học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập. Học sinh khuyết tật không đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của chwng trình được đánh giá dựa trên sự nỗ lực, tiến bộ của học sinh và không xếp loại đối tượng này.

5. Ngày 13/12/2011, Sở GD-ĐT đã có công văn số 1234/SGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Thông tư 58 để đánh giá xếp loại học kỳ I năm học 2011-2012. Công văn nói rõ:

“Trong thời gian qua, giáo viên đang đánh giá theo hướng dẫn tại Công văn số 883/SGDĐT-GDTrH ngày 12/9/2011 của Sở, đó là đánh giá kết quả học tập của học sinh ở các môn học trên thành 5 loại: giỏi (viết tắt: G), khá (viết tắt: K), trung bình (viết tắt: Tb), yếu (viết tắt: Y) và kém (viết là Kém), thì nay không cần sửa chữa lại kết quảtrong sổ điểm mà sử dụng kết quả đó để đánh giá học kỳ I của bộ môn như sau: các bài kiểm tra được xếp loại giỏi (G); khá (K); trung bình (Tb) thì thuộc mức Đạt yêu cầu (Đ); các bài kiểm tra được xếp loại yếu (Y) và kém thì thuộc mức Chưa đạt yêu cầu (CĐ). Sang học kì II thì việc đánh giá (ghi vào sổ điểm) chỉ có hai loại: Đ và CĐ”.

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở, Phòng đã phối hợp với tác giả phần mềm School Assist để nâng cấp phần mềm theo nội dung công văn số 1234/SGDĐT-GDTrH của Sở GD-ĐT. Việc cập nhật điểm số, xếp loại kết quả kiểm tra các môn học vẫn thực hiện bình thường. Sau khi phần mềm được nâng cấp xong, Phòng sẽ gửi về để các trường cập nhật vào máy tính (trong tháng 12/2011). Sau khi cài lại phần mềm, các dữ liệu vẫn được giữ nguyên, riêng xếp loại các bài kiểm tra môn Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ tự động chuyển đổi theo quy định trên.
(Lưu ý: Cần sao lưu dữ liệu trước khi cài phần mềm mới).

 
                                                                  Bùi Năng Tiến