TH Yên Hồ: chuyên đề Phương pháp "Bàn tay nặn bột"

TH Yên Hồ: chuyên đề Phương pháp "Bàn tay nặn bột"
Thực hiện Kế hoạch công tác tháng 3/2017 của Phòng GD&ĐT Đức Thọ, chiều ngày 15 tháng 3 năm 2017, trường Tiểu học Yên Hồ đã tổ chức chuyên đề Phương pháp "Bàn tay nặn bột".










       Về dự và chỉ đạo buổi chuyên đề có thầy giáo Trần Doãn Đại chuyên viên Phòng GD&ĐT Đức Thọ, Phó hiệu trưởng và các Tổ trưởng chuyên môn của 28 trường trong toàn huyện.
      Các thầy cô được dự giờ 2 tiết dạy. Tiết 1: Cô Phan Thị Hoa môn Khoa học lớp 5 với bài Cơ quan sinh sản của thực vật có hoa, tiết 2: môn Tự nhiên và xã hội lớp 3 cô Lê Thị Tố Như bài Hoa và quả có đặc điểm gì? 

 

      Hai tiết dạy đã thể hiện rõ 5 bước của phương pháp "Bàn tay nặn bột".
      Bước 1: Tình huống xuất hiện và câu hỏi nêu vấn đề.
      Bước 2: Bộc lộ biểu tượng ban đầu của học sinh.
      Bước 3: Đề xuất câu hỏi (hoặc giả thuyết) và giải pháp (phương án) tìm tòi, nghiên cứu.
      Bước 4: Tiến hành thực hiện giải pháp tìm tòi - nghiên cứu.
      Bước 5: Kết luận, hợp thức hóa kiến thức.

 

      Đây là phương pháp dạy học tích cực mà trong đó học sinh tiến hành các thao tác trí tuệ có sự hỗ trợ của một số dụng cụ và những giác quan để nghiên cứu tìm tòi, khám phá kiến thức mới. Dưới sự tổ chức điều hành hoạt động của giáo viên tất cả học sinh đều được tham gia vào các hoạt động một cách tích cực, chủ động. Các em được tự do nêu lên dự đoán về hiểu biết ban đầu và các câu hỏi thắc mắc liên quan đến nội dung bài học, được quan sát, được khám phá trên các loài hoa và quả cụ thể, tự tìm ra kiến thức để giải đáp các câu trả lời, các thắc mắc mà các em đưa ra. Từ đó rút ra kết luận của bài học.

      Dưới sự chủ trì của cô giáo Đinh Thị Thơm, Hiệu trưởng nhà trường, các thầy cô giáo đã trao đổi, thảo luận và thống nhất cao với các quy trình 5 bước mà hai giáo viên và học sinh đã thực hiện. Thầy giáo Trần Doãn Đại – Chuyên viên Tiểu học đã có những kết luận về việc tổ chức dạy học phương pháp Bàn tay nặn bột rút ra bài học kinh nghiệm qua từng bài dạy để giúp giáo viên có kỹ năng tốt khi vận dụng phương pháp này. 

 

     Đây là chuyên đề về hoạt động chuyên môn theo tinh thần đổi mới có ý nghĩa thiết thực trong mỗi nhà trường Tiểu học trong bối hiện nay. Hai tiết dạy đã thành công ở đặc điểm quan trọng là học sinh đã hoạt động tích cực, được tự khám phá tự chiếm lĩnh để nắm chắc kiến thức bài học.


 

Tác giả bài viết: Phạm Thị Thu Hiền (TH Yên Hồ)