Một nhà giáo tận tuỵ với nghề

Một nhà giáo tận tuỵ với nghề
Trong số 1062 nhà giáo được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú vừa qua, có cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng trường Mầm non Thị trấn Đức Thọ. Đây không chỉ là niềm vinh dự của bản thân nhà giáo Nguyễn Thị Phượng, của trường Mầm non Thị trấn mà còn là vinh dự chung cho toàn ngành Giáo dục Đức Thọ.

 
    Cô Nguyễn Thị Phượng năm nay đã có 30 năm tuổi nghề. 5 năm ( từ 1980-1985) làm cán bộ chuyên trách tại trường điểm Đức Bùi và các xã miền ngược khó khăn như Đức Đồng, Đức Lạng, Tân Hương; 9 năm làm hiệu phó (từ 1987-1995) và 15 năm là hiệu trưởng (Từ 1996 đến nay) tại trường mầm non Thị Trấn.
 
    Tôi nhớ mãi những ngày đầu của  trường mầm non Thị trấn, cái thời ấy thật gian lao vất vả. Lúc đó cô Phượng mới sinh con nhỏ được vài ba tháng, chồng công tác xa, 2 mẹ con phải trọ tại khu tập thể trường phổ thông cơ sở Yên Trấn. Vì điều kiện thiếu giáo viên, cô Phượng phải đảm nhận dạy kiêm một lớp mẫu giáo ghép tại nhà kho HTX Đại Xuân (Thị Trấn bây giờ).
 
    Cô Phượng cùng lúc đảm nhận 2 vai, vừa là hiệu phó vừa là chủ nhiệm một lớp mẫu giáo nên công việc rất vất vả. Ngày 2 buổi bám lớp,  buổi tối cô gửi con nhỏ  đi xuống các xóm để vận động nhân dân đưa trẻ ra lớp;  đến các cơ quan để xin ủng hộ kinh phí  đóng bàn ghế cho các cháu ngồi, gặp gỡ các cơ quan, can thiệp cho lớp mẫu giáo mượn phòng để duy trì việc học của các cháu… cô  buồn, cô khóc khi trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp; cô mất ngủ khi trăn trở về trường lớp về phong trào chung của giáo dục mầm non Đức Thọ.
 
    Năm 1994 cô Phượng đau nặng, phải ra bệnh viện Hà Nội làm phẩu thuật. Lúc đó không ai giám nói gì nhưng chúng tôi đoán cô khó qua được đoạn này. Mỗi lần tôi ra làm việc với các anh trong UB Thị, anh Hồng chủ tịch lúc bấy giờ lại doạ tôi “ Coi khéo mất hiệu phó thật đấy cô Hiền ạ”, tôi lo sọ mà không dám nói gi?  Thế mà như có phép lạ, cô Phượng hồi phục, khoẻ dần và trở lại công tác bình thường. Cô lại rong ruổi trên các nẻo đường Thị Trấn với chiếc xe đạp đơn sơ, vừa vận động nhân dân xây dựng trường, lớp vừa chỉ đạo công tác chuyên môn vừa chủ nhiệm lớp 1 lớp mẫu giáo.
 
    Bằng sự nổ lực không biết mệt mỏi, sau 10 năm phấn đấu (từ 1985-1995), trường mầm non Thị trấn đã có một diện mạo mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ đáp ứng nhu cầu cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Trên diện tích 2200m2 đất tại cụm trung tâm có đầy đủ các phòng học và phòng chức năng. đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, có con dấu để khẳng định tư cách pháp nhân của hiệu trưởng và thuận lợi cho công tác giao dịch và tham mưu cho nhà trường. Hàng năm nhiều giáo viên dưới bàn tay hướng dẫn chuyên môn của cô Phượng đã trở thành giáo viên giỏi Huyện, giỏi Tỉnh một cách xuất sắc.
 
      Nhằm đáp ứng nhu cầu ra lớp của trẻ mầm non ngày càng đông trên địa bàn Thị Trấn, cô Phượng đã tham mưu với địa phương đầu tư kinh phí trên 1 tỷ đồng xây dựng thêm một điểm trường mới. Cụm 2 tại tại HTX Mai Hồ được xây dựng tương đương cụm trung tâm gồm 4 nhóm lớp, phòng chức năng,  bếp ăn, công trình vệ sinh khép kín, vườn rau, ao cá, đồ chơi ngoài trời, thiết bị tin học hiện đại. Đến năm 2003 trường được công nhận là trường đạt Chuẩn Quốc gia giai đoạn 1.
 
   Trường mầm non Thị Trấn đã sở hữu một bề dày thành tích đáng nể: Hiện tại trường  có 40 giáo viên, nuôi dạy 350 cháu, duy trì tỷ lệ huy động nhà trẻ 25%,  mẫu giáo 98%, mẫu giáo 5 tuổi 100%. Nhờ cải tiến tốt các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nên tỷ lệ suy dinh dưỡng hạ xuống còn dưới 10% .Trường được công nhận là trường trọng điểm cấp tỉnh năm 1997; Năm 2004-2005 dẫn đầu toàn tỉnh, 2005-2006 dẫn đầu toàn Quốc và được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc; Trường  đạt chuẩn Quốc gia năm 2003;  Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 năm 2006; Là đơn vị được Bộ và Viện nghiên cứu giáo dục chọn làm thí điểm các chương trình và chuyên đề chuyên môn trong nhiều năm.
 
    Bản thân cô Phượng là CSTĐ cấp tỉnh nhiều năm; được Bộ GD- ĐT, Tổng liên đoàn lao động VN tặng nhiều bằng khen; Chiến sĩ thi đua toàn Quốc năm 2006; Chủ tích nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba năm 2008. Suốt cả chặng đường 30 năm công tác của mình, cô Phượng là một tấm gương tận tuỵ với nghề, tận tâm với công việc. 
 
                                                                              Nghiêm Bảo Hiền