Hiệp hội chống bắt nạt quốc tế khuyên phụ huynh 5 điều

Hiệp hội chống bắt nạt quốc tế khuyên phụ huynh 5 điều
Đừng mong đợi chúng sẽ nói cho các bạn biết về hành vi bắt nạt. Thay vào đó các bạn nên tìm hiểu các dấu hiệu hiệu ngầm. Hiệp hội quốc tế về ngăn ngừa hành vi bắt nạt, nhiều quyển sách viết về vấn đề này và các trang web chuyên sâu đã khuyến nghị phụ huynh như vậy

1. Hành vi bắt nạt là gì?

Bắt nạt là một hành vi tiêu cực được lặp đi lặp lại để lợi dụng một người yếu hơn và đôi khi làm cho chính đứa trẻ bị bắt nạt cảm thấy có lỗi. Đánh, đấm, chửi rủa, dọa nạt, xa lánh, tẩy chay cô lập hoặc làm nhục, bêu riếu những nhược điểm của người khác đều là những hành thức bắt nạt. Thậm chí kẻ bắt nạt còn hay lợi dụng điểm yếu của đối phương để đe dọa, bắt ép người khác làm những việc gì đó mà họ không muốn…

 

2. Dấu hiệu nhận biết con bạn đang liên lụy đến hành vi bắt nạt

Các bậc phụ huynh nên thường xuyên trò chuyện với con. Nhưng bạn cũng đừng mong đợi chúng sẽ nói cho các bạn biết về hành vi bắt nạt. Thay vào đó, các bạn nên tìm hiểu các dấu hiệu hiểu ngầm. Ví dụ, nếu bị bắt nạt, bạn sẽ thấy đứa trẻ có những dấu hiệu sau:

-  Miễn cưỡng đi đến trường.
-  Không muốn chơi đùa với bạn sau giờ học.
-  Đi đến trường theo lộ trình gián tiếp hoặc khác với thường lệ.
-  Có những vết xước hoặc vết thâm tím không giải thích được. Có thể trẻ cũng có biểu hiện khác như nhức đầu hoặc đau bụng.
-  Tâm trạng chán nán hoặc thay đổi thất thường.
-  Mất đồ dùng hoặc hay xin thêm tiền.

Còn những trẻ đang có hành vi bắt nạt những người khác sẽ có biểu hiện như sau:

-  Hung hăng, thỉnh thoảng ngay cả với người lớn.
-  Thích xô đẩy hoặc trêu ghẹo hoặc tranh cướp giành giật đồ của trẻ em khác.
-  Chiếm ưu thế và điều khiển.
-  Là người nói ngọt trong các tình huống khó khăn.
-  Dễ thất vọng.

3. Những nguyên nhân khiến trẻ có hành vi bắt nạt:

 

Những kẻ bắt nạt thường muốn tìm kiếm sự chú ý. Có thể, các em nghĩ rằng bắt nạt người khác là cách để trở nên nổi tiếng hoặc là cách để chúng thực hiện một số mục đích nào đó. Hầu hết, những kẻ bắt nạt thường cố gắng khiến người khác cảm thấy bản thân chúng thật quan trọng. Bắt nạt một ai đó sẽ khiến những đứa trẻ này cảm thấy to lớn và mạnh mẽ hơn. Nhưng hầu hết các nguyên nhân cơ bản của hành vi bắt nạt đều xuất phát từ:

1. Tâm trạng thất vọng: Khi một đứa trẻ đang gặp phải một khó khăn nào đó mà chúng không thể tự giải quyết hay không được người khác hỗ trợ giúp đỡ, thì sẽ rơi vào trạng thái bực bội, thất vọng. Chẳng hạn, trẻ có thể gặp phải những vấn đề về tâm sinh lý như bị điếc, mặc chứng khó đọc, tự kỷ, dị ứng…hoặc một số khó khăn trong học tập khác. Như vậy chúng sẽ không thế đáp ứng được những yêu cầu mà nhà trường đề ra. Và cũng không ai giúp các em giải quyết những khó khăn này. Trẻ sẽ trở nên bực dọc, hung hăng và có hành vi bắt nạt các bạn khác.

2. Bản thân đứa trẻ cũng từng bị bắt nạt. Tuy nhiên trong quá trình bị bắt nạt các em không được quan tâm, giúp đỡ. Bởi vậy dần dần những đứa trẻ này cũng có những hành vi hung hăng, dễ gây gổ. Chúng bắt buộc phải tỏ ra như vậy bởi đó là cách duy nhất để chúng có thể tự bảo vệ mình, chống lại những kẻ hung hăng khác.Dần dần chính các em lại dễ mắc vào hành vi bắt nạt người khác.

3. Không có tấm gương nào để các em học theo, hoặc các em bị ảnh hưởng bới những tấm gương xấu: Đứa trẻ không có hình mẫu tốt đẹp nào trong gia đình hoặc là bố hoặc mẹ các em có những hành vi không tốt, chẳng hạn bố thường xuyên ức hiếp, quát nạt mẹ…Bởi vậy, các em không bao giờ có cơ hội được học những kỹ năng cư xử đúng mực.

4. Bị lạm dụng ở nhà: Trẻ bị bố mẹ lạm dụng, bắt nạt ở nhà nên trẻ trả thù bằng cách bắt nạt nguời khác.

5. Bị bỏ rơi: Trẻ không được bố mẹ quan tâm dạy bảo nên cảm xúc và hành vi phát triển lệch lạc.

6. Bị ảnh hưởng bởi đám đông: Các em bị rơi vào môi trường không tốt, nhiều người xung quanh có hành ức hiếp, bắt nạt lẫn nhau. Dần dần các em cũng bắt chước như vậy.

7. Rối loạn hành vi: Trẻ bị mắc các chứng bệnh về tâm lý hoặc các loại rối loạn về tinh thấn khác khiến các em trở nên khó gần gũi và có hành vi gây gổ, chống lại người khác.

4. Hậu quả

 

Cả nạn nhân lẫn kẻ hung hăng đều có hậu quả không hayNhững đứa trẻ bị bắt nạt thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó những kẻ bắt nạt có thể khiến đứa trẻ trở nên stress. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em sẽ không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành .

Hành vi bắt nạt không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm. Trong khi đó, những đứa trẻ bắt nạt đã lạm dụng quyền hành từ khi còn nhỏ, khi lớn lên có thể mắc phải những hành vi tội ác nhiều hơn những đứa trẻ khác. Trẻ em liên lụy vào hành vi bắt nạt dù ở vai trò này hay vai trò kia cũng đều có nguy cơ lạm dụng rượu, thuốc lá, và các loại ma túy bất hợp pháp khác.

5. Cha mẹ cần làm gì?

Nếu con bạn bị bắt nạt, bạn hãy:

Nói cho còn bạn biết rằng việc bị bắt nạt không phải là lỗi của đứa trẻ. Cũng đừng khuyên con bạn nên phớt lờ, chịu đựng hoặc chống trả lại. Bởi trong hầu hết mọi trường hợp, đến lúc cha mẹ biết được hành vi bắt nạt, thì những phản ứng này đều đã không đạt hiệu quả.

Nói chuyện về những ý nghĩ của con bạn làm thế nào để chấm dứt hành vi bắt nạt.

Khen ngợi đứa trẻ vì đã cố gắng và khuyến khích các em tiếp tục trình báo mọi vụ bắt nạt với người lớn.
Nếu con bạn bị cô lập, hãy tạo điều kiện cho các em tham gia các câu lạc bộ, hoặc các hoạt động thể thao để có thêm các mối quan hệ xã giao mới.

Điều quan trọng nữa là các bậc phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cũng bảo vệ và giúp đỡ các em.

Còn nếu con bạn có hành vi bắt nạt người khác, bạn nên nói chuyện về vụ bắt nạt. Giúp con bạn kể lại những gì đã xảy ra mà không buộc tội hoặc đổ lỗi cho ai. Giúp đứa trẻ nhìn vào hoàn cảnh theo quan điểm của những người bị liên lụy và để hiểu  những người khác bị ảnh hưởng thế nào. Mục tiêu của đứa trẻ có hành vi bắt nạt này là gì: quyền lực, sự chú ý, đùa giỡn?

Bố mẹ hãy cùng con suy nghĩ tìm ra các cách hiệu quả và tích cực hơn để đạt được những mục tiêu đó.
Hãy thể hiện quan điểm cứng rắn, nghiêm khắc rằng bạn sẽ không dung dưỡng hành vi bắt nạt.

Bạn hãy bình tĩnh, bắt trẻ chịu một hình phạt nào đó. Những tuyệt đối không đánh đập, chửi mắng (vì như thế trẻ sẽ cho rằng chính bạn cũng đang bắt nạt chúng). Hãy nghĩ ra những hình phát thực tế như cấm một đặc quyền nào đó như thời gian xem tivi, hoặc ra ngoài chơi…
                                                                  (Theo VietnamNet)