Bổ sung chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy Giáo dục công dân

Tăng quy mô đào tạo giáo viên dạy môn Giáo dục công dân (GDCD), trong đó ưu tiên đào tạo giáo viên môn GDCD cho các trường THCS, bổ sung đủ lượng giảng viên, giáo viên dạy môn Pháp luật trong các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, giảng viên môn học Pháp luật, GDCD và đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật…
Đó là những nội dung đáng chú ý trong Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, GD pháp luật trong nhà trường” Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân vừa ký phê duyệt.

Đề án cũng nêu rõ, sẽ tổ chức dạy và học kiến thức pháp luật phù hợp ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, SGK giáo dục pháp luật (môn Đạo Đức, GDCD…). Đối với ĐH, xây dựng chương trình pháp luật đại cương thống nhất trong các trường ĐH, CĐ để đưa các kiến thức pháp luật cơ bản, đại cương vào nội dung chương trình của tất cả các ngành đào tạo từ năm học 2009 – 2010. Tổ chức thi học sinh giỏi, nghiên cứu khó học về phố biến, giáo dục pháp luật. Bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; bổ sung tài liệu, thiết bị phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; xây dựng đơn vị nghiên cứu, bồi dưỡng, tư vấn pháp luật thuộc trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Luật TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội.

Đối với giáo dục mầm non, đưa một số nội dung pháp luật đơn giản về giao thông, gia đình, môi trường, vệ sinh nơi công cộng… vào các trò chơi ở lứa tuổi mẫu giáo. Với giáo dục phổ thông, chú trọng các nội dung về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội… Đặc biệt chú trọng nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen xử sự theo phát luật của học sinh. Chương trình môn học Đạo đức, Giáo dục công dân trong giáo dục phổ thông cũng được lưu ý phải có độ mở nhất định để có thể vận dụng phù hợp với từng vùng miền khác nhau.

Đối với giáo dục đại học, TCCN, tổ chức dạy và học các kiến thức pháp luật cơ bản cho sinh viên, đảm bảo học sinh, sinh viên ĐH, CĐ, TCCN ra trường nắm được lý luận cơ bản về pháp luật để có thể tự tìm hiểu các ngành luật cần thiết.

Đối với dạy nghề, tiếp tục triển khai chương trình môn học Pháp luật trong các chương trình dạy nghề theo hướng cung cấp nội dung pháp luật cụ thể, trong đó chú ý các quy định về pháp luật lao động, hợp đồng và các quy định gắn với đặc thù từng ngành nghề. Đối với GDTX, lựa chọn nội dung cơ bản, cần thiết với chương trình và đối tượng GDTX, trong đó, nội dung Pháp luật, Giáo dục công dân là bắt buộc đối với các chương trình cấp văn bằng của hệ thống Giáo dục quốc dân.

Bên cạnh đó, triển khai có chất lượng các hình thức giáo duc ngoại khóa, các hoạt động giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp…

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2009.
 
,
 
 

Nguồn tin: (Theo Báo Giáo dục & Thời đại)