Kích thích sự ham học, sáng tạo của học sinh

Dạy học có hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi học sinh là một trong những nội dung quan trọng của phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các nhà trường phải đổi mới phương pháp dạy học, hướng học sinh đến cách học tích cực và tự chủ, nâng cao khả năng tư duy, giải quyết tình huống.

Xuất phát từ yêu cầu đó, ngành giáo dục Lạng Giang (Bắc Giang) đã triển khai một phương pháp mới khá hiệu quả, đó là dạy học bằng bản đồ tư duy (BĐTD).

"Chữa" lối "học vẹt"

Giờ học Văn của lớp 9A, Trường THCS Đại Lâm (Lạng Giang) thật sôi nổi và hấp dẫn. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng cho các em học sinh ôn tập và hệ thống lại kiến thức của tác phẩm "Truyện Kiều"; thân thế, sự nghiệp của tác giả Nguyễn Du bằng phương pháp BĐTD. Xoay quanh hai "từ khoá" trung tâm là Truyện Kiều và Nguyễn Du, bằng những câu hỏi gợi mở của cô giáo, sự tham gia sôi nổi của học sinh, "bản đồ" dần hiện lên thật sinh động và hấp dẫn. Chưa đầy 20 phút, toàn bộ nội dung kiến thức của bài học trong sách giáo khoa đã được tóm gọn bằng một BĐTD. Phần thời gian còn lại, cô cho các học trò thoả sức sáng tạo và phát triển ý tưởng liên hệ của mình như so sánh cuộc đời của nàng Kiều với cuộc sống của người phụ nữ thời phong kiến và hiện nay; những tác phẩm khác của Nguyễn Du ngoài Truyện Kiều… Tiết học kết thúc trong sự nuối tiếc của cả cô và trò. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi nhà trường triển khai phương pháp dạy học bằng BĐTD, đồng thời tham khảo các tài liệu về phương pháp này, cô đã ứng dụng vào từng tiết dạy của mình mang lại hiệu quả thiết thực như: giúp học sinh thuộc bài ngay tại lớp, nhớ nhanh, nhớ sâu và lâu những nội dung của bài học. Mặt khác, dạy học bằng BĐTD giúp học sinh không nhàm chán về bài học mà luôn sôi nổi, hào hứng từ đầu đến cuối tiết học. Phương pháp này đặc biệt có ích trong việc củng cố kiến thức và rèn luyện, phát triển tư duy logic cho học sinh, nhất là những học sinh khá, giỏi. Em Hoàng Thị Hương Ni cho biết: Trước đây khi học theo lối đọc- chép sau đó về học thuộc lòng để trả bài cho ngày hôm sau em không thấy hào hứng học và khi chuyển sang bài khác có thể quên ngay kiến thức đã học. Nay học theo phương pháp BĐTD, em thấy giờ học vui hơn và nhớ lâu hơn. Nhất là khi ôn tập, em chỉ cần nhìn xem lướt qua là có thể nhớ lại hầu hết những kiến thức đã học. Còn em Hoàng Lệ Quyên thì chia sẻ: Em rất thích học những giờ có sử dụng phương pháp vẽ BĐTD. Bài học thoải mái, không áp lực. Bản thân tự lập dàn ý và hệ thống toàn bộ nội dung chính của bài học ngay từ khi trên lớp nên em không những hiểu mà còn nhớ rất lâu bài học đó.

Một phương pháp hiệu quả

Phương pháp dạy học bằng BĐTD được ngành giáo dục Lạng Giang thực hiện thí điểm vào cuối năm 2010 tại Trường THCS Hương Sơn và triển khai rộng rãi trong các trường học trên địa bàn huyện từ năm 2011. Phương pháp này đã được giáo viên, học sinh hồ hởi đón nhận. Thực tế cho thấy, trong quá trình dạy và học trước đây, mô hình dạy học bằng BĐTD đã được hình thành nhưng ở mức độ đơn giản hơn như làm sơ đồ, bảng biểu… Việc thực hiện của các thầy, cô giáo cũng chưa hoàn chỉnh, bài bản và chưa áp dụng thường xuyên. Đối với BĐTD tuy hình thức tương tự nhưng được thực hiện ở mức độ cao và có những ưu điểm tích cực hơn hẳn, giúp học sinh khái quát được vấn đề và phát huy tính chủ động, sáng tạo của mình. Các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy bằng BĐTD đều có chung nhận xét rằng, vật liệu làm BĐTD dễ kiếm, kinh tế, cách làm đơn giản và có thể vận dụng với bất kỳ điều kiện nào của các nhà trường hiện nay. BĐTD có thể được vẽ trên giấy bìa, bảng phụ, sử dụng bút chì, màu, phấn, tẩy… hoặc cũng có thể thiết kế trên powerpoint hay các phần mềm chuyên dùng để hỗ trợ thiết kế BĐTD. Với các trường có cơ sở hạ tầng thông tin tốt có thể cài vào phần mềm máy tính cho cán bộ, giáo viên, học sinh sử dụng. Tuy nhiên, đa số đều cho rằng việc sử dụng giấy, bút chì, bút màu, tẩy để vẽ BĐTD có ưu điểm là giúp người học dễ dàng phát triển ý tưởng và bổ sung ý tưởng, qua đó phát huy tính sáng tạo của mỗi người. Mặt khác, BĐTD còn giúp phát triển năng khiếu hội hoạ, sở thích lựa chọn tự do màu sắc, đường nét. Do tự "sáng tác" nên mỗi BĐTD thể hiện rõ cách hiểu, trình bày kiến thức của mỗi cá nhân; đồng thời do chính bản thân làm ra nên càng yêu quý, trân trọng "tác phẩm" của mình.

 BĐTD (Mind Map) là một hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Kỹ thuật tạo ra loại bản đồ này được phát triển bởi Tony Buzan (sinh năm 1942, Anh), chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu hoạt động của bộ não. BĐTD có cấu tạo như một cái cây có nhiều nhánh lớn, nhỏ mọc xung quanh. "Cái cây" ở giữa bản đồ là một ý tưởng chính hay hình ảnh trung tâm. Nối với nó là các nhánh lớn thể hiện các vấn đề liên quan với ý tưởng chính. Các nhánh lớn sẽ được phân thành nhiều nhánh nhỏ, rồi nhánh nhỏ hơn, nhánh nhỏ hơn nữa nhằm thể hiện chủ đề ở mức độ sâu hơn. Sự phân nhánh cứ thế tiếp tục và các kiến thức, hình ảnh luôn được nối kết với nhau. Sự liên kết này tạo ra một "bức tranh tổng thể" mô tả ý tưởng trung tâm một cách đầy đủ và rõ ràng.

Hiện nay 100% các trường THCS trên địa bàn huyện Lạng Giang đã triển khai ứng dụng BĐTD vào dạy và học, đây là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học tập của học sinh. Nhiều trường đã đạt hiệu quả cao trong việc nâng chất lượng giáo dục thông qua đổi mới phương pháp dạy học bằng BĐTD như THCS Hương Sơn, Đại Lâm, Hương Lạc, thị trấn Vôi… Thầy giáo Nguyễn Văn Quả, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Lâm (Lạng Giang) cho biết: Trừ các môn học mang tính đặc thù như thể dục, mỹ thuật… còn lại tất cả các môn học khác nhà trường đều áp dụng phương pháp dạy học bằng BĐTD để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Còn cô giáo Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Hương Lạc cho rằng: Ưu điểm lớn nhất của BĐTD trong dạy học là dễ áp dụng, dễ nhân rộng, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng và tư duy khoa học, logic, ghi nhớ sâu sắc kiến thức, tránh được lối học vẹt, thuộc lòng máy móc… Qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy học sinh rất hứng thú với BĐTD; nhiều em đã hình thành được kỹ năng thiết lập BĐTD cho các bài, các chương. Đa số các em đều có ý thức lưu giữ các BĐTD của mình như một tài liệu mở để khi cần có thể bổ sung, sửa đổi.

Được biết vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo Lạng Giang vừa tổ chức đánh giá việc vận dụng BĐTD vào dạy học. Ý kiến của cán bộ, giáo viên các nhà trường đều đánh giá cao việc vận dụng BĐTD vào dạy học. Tuy nhiên, nhiều thầy, cô giáo cũng cho rằng không nên tuyệt đối hoá vai trò của BĐTD, coi BĐTD là công cụ vạn năng trong dạy học. Bên cạnh đó, việc áp dụng BĐTD vào dạy bài mới một cách thái quá cũng là điều không nên. Với những bài có nội dung dài, khó mà yêu cầu học sinh vẽ BĐTD tại lớp thì sẽ không phù hợp vì việc vẽ BĐTD mất nhiều thời gian do phải cân nhắc để lựa chọn hình ảnh, đường nét, màu sắc; phải xoay tờ giấy theo nhiều chiều để viết từ khoá theo nét liên kết. Mặt khác, việc sa đà vào "trang trí" BĐTD sẽ tốn nhiều thời gian, làm chuyển hướng tư duy về vấn đề cần quan tâm sang tư duy hội hoạ. Khắc phục những điều này, BĐTD sẽ thực sự phát huy hiệu quả, là phương pháp dạy học tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Tác giả bài viết: Hồng Minh (Báo Bắc Giang)