Trâu trong đời sống văn hóa người Việt

Trâu trong đời sống văn hóa người Việt
Khi nói đến lịch pháp, Trung Quốc là nước đầu tiên biết làm ra lịch pháp trên cơ sở kết hợp thuyết âm dương, ngũ hành, thiên can, địa chi. Trong 12 địa chi (thập nhị chi), trâu mang pháp danh là Sửu, đứng hàng thứ hai sau Tý và đứng trước 10 con vật khác là Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn. 12 con vật được đứng trong sách lịch pháp trên nay là đại diện cho các loài.
Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua. Ở đây xin lạm bàn đôi chút về tính cách con trâu trong dân gian trên một số lĩnh vực của hoạt động tư duy của người Việt nói riêng và của người phương Đông nói chung.

      Khi nói đến lịch pháp, Trung Quốc là nước đầu tiên biết làm ra lịch pháp trên cơ sở kết hợp thuyết âm dương, ngũ hành, thiên can, địa chi. Trong 12 địa chi (thập nhị chi), trâu mang pháp danh là Sửu, đứng hàng thứ hai sau Tý và đứng trước 10 con vật khác là Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn. 12 con vật được đứng trong sách lịch pháp trên nay là đại diện cho các loài. 

   Về tính âm dương, 12 con vật được chia xếp thành hai cực âm và dương đứng đan xen nhau, trong đó con trâu (Sửu) thuộc âm. Trong khi kết hợp với thiên can, bao giờ những con vật mang tính chất âm cũng được kết hợp với yếu tố âm và những con vật mang tính chất dương cũng được kết hợp với yếu tố dương của thiên can. Những yếu tố âm của thiên can (còn gọi là thập can) là Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý. Những yếu tố còn lại (Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm) là thuộc dương. Như vậy, Sửu trong địa chi (thập nhị chi) chỉ được kết hợp với: Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý. Do đó, chỉ có những năm Sửu là: Ất Sửu, Đinh Sửu, Kỷ Sửu, Tân Sửu và Quý Sửu chứ không thể có những năm Sửu khác. Theo cách tính toán và cách sắp xếp của lịch pháp Trung Hoa cổ đại thì cứ 12 năm lại có một năm Sửu và cứ 60 năm, chu kỳ của một năm Sửu nào đó sẽ được lặp lại như cũ. Chẳng hạn năm 1997 là năm Đinh Sửu thì đến năm 2057 mới lặp lại năm Đinh Sửu một lần nữa.

  Người phương Đông đã tìm thấy và đặt tên cho bốn chòm sao, gồm 28 ngôi sao chính gọi là nhị thập bát tú, trong đó có sao Ngưu thuộc chòm sao Huyền Vũ nằm ở phương Bắc, ứng với hành thuỷ, thuộc về mùa Đông. Theo quan niệm của người phương Đông thì sao Ngưu, sao Đẩu là những ngôi sao sáng, rực rỡ. Nó thường được gắn cho những người có trí tuệ trác việt. 

  Trong quan niệm tôn giáo, đối với đạo Phật, con trâu cũng là một trong những linh thú. Nhiều đình chùa ở nước ta đã chạm khắc và tạc tượng trâu. Ngành khảo cổ học đã tìm thấy ở buổi đầu dựng nước có nhiều tượng trâu ở di chỉ Đình Chàng, sau đó là tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh), có chiều dài 102cm ở thế nằm và cao 88cm. Đến thời nhà Lý, đạo Phật trở thành quốc giáo thì ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được xây dựng năm 1057 có cặp tượng trâu to bằng trâu thật, tạc trên đài sen ở sân chùa, hình rất thực và sống động. Thời Lê Trung Hưng, trong trào lưu phát triển mạnh nghệ thuật làng xã với các đình chùa, miếu mạo thì con trâu trở thành hình chạm trang trí khá phổ biến. Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh dựng năm 1647, tại lan can đá ở thượng điện và tháp Bảo Nghiêm đều có hình trâu chạm nổi. Ở tấm bia đá chùa Cảnh Phúc (Nam Định) dựng năm 1695 cũng có hình chạm con trâu đang nằm nghỉ.

    Có thể nói, con trâu đối với nhà nông là "đầu cơ nghiệp", là người bạn thuỷ chung, gắn bó với con người từ hàng ngàn năm qua, cũng giống như cây tre gắn bó với con đường làng, mảnh vườn, góc sân của mỗi gia đình, mỗi làng quê Việt Nam.
                                                                              

 



admin (Theo Tin tuc online)