Bài thơ Gió từ tay mẹ của thầy giáo Bùi Năng Tiến

Bài thơ Gió từ tay mẹ của thầy giáo Bùi Năng Tiến
Ký ức của miền quê, của tuổi thơ những năm nước nhà mới thống nhất. Từ đây, người đọc gặp lại hình ảnh những hố bom thời gian chưa kịp san lấp, hình ảnh cánh đồng mía giăng giăng che bóng những con đường đi học ngoằn ngoèo, rồi căn nhà bé nhỏ chật chội, lớp học phất phơ tranh mía,…
 

 


Gió từ tay mẹ
 
 
 
Trưa hè trời đổ lửa
Hàng mía đứng lặng im
Hoa mướp khép lim dim
Chuối rũ tàu, sém nắng
 
Đất ngoài vườn bạc trắng
Ruộng khô nẻ chân chim
Gốc rạ giương mắt nhìn
Hố bom, đìa cạn nước
 
Cái nắng đốt phía trước
Cái nắng đốt phía sau
Tay cầm quạt mo cau
Mẹ làm cô tiên gió
 
Trong gian nhà bé nhỏ
Nồng khét mùi gạch vôi
Suốt buổi trưa mẹ ngồi
Quạt cho con nằm ngủ
 
Bao yêu thương ấp ủ
Trong lời mẹ hát ru
Bao âu yếm hiền từ
Trong những làn gió mát
 
Có trời xanh bát ngát
Có cò trắng lượn bay
Có hương đồng thơm say
Đi vào trong giấc ngủ
 
Trời vẫn như đổ lửa
Vườn cây vẫn lặng im
Không còn một tiếng chim
Chỉ nghe lời của mẹ
 
Gió vẫn bay nhè nhẹ
Từ tay mẹ sang con…
 
1.6.1983
   BÙI NĂNG TIẾN

         
          Đã từng nghe đi nghe lại nhiều lần bài “Bàn tay mẹ” của Tạ Hữu Yên (qua âm nhạc Bùi Đình Thảo), từng đọc rất nhiều lần bài “Gió từ tay mẹ” của nhà thơ Vương Trọng nên tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe thầy giáo Bùi Năng Tiến đọc bài thơ “Gió từ tay mẹ”. Ngạc nhiên vì đề tài quen mà bài thơ lạ, lần đầu được biết. Ngạc nhiên vì tính cụ thể, chân thực, gợi cảm. Ngạc nhiên vì sức đồng cảm rất mạnh của tác phẩm này.
          Bài thơ tái hiện sinh động cái không gian trưa hè nông thôn miền Trung với nắng nồm rát bỏng: “Trưa hè trời đỏ lửa/ Hàng mía đứng lặng im”. Cảnh vật được miêu tả bằng cái nhìn bao quát nhiều chiều từ xa đến gần, từ cao xuống thấp, từ trước ra sau, từ cái chung đến từng chi tiết,… Tác giả đặc biệt chú ý đến sức biểu hiện của các chi tiết trong cái nhìn của đôi mắt trẻ thơ. Bởi thế, những sự vật hiện tượng trong cuộc sống xung quanh trở nên vừa lạ lẫm vừa gần gũi, vừa gợi cảm giác sờ sợ của thời tiết khắc nghiệt vừa gợi liên tưởng đến những dáng nét biểu cảm thân quen: “Hàng mía đứng lặng im/ Hoa mướp khép lim dim/ Chuối rũ tàu, sém nắng// Đất ngoài vườn bạc trắng/ Ruộng khô nẻ chân chim/ Gốc rạ giương mắt nhìn/ Hố bom, đìa cạn nước”. Trong lờn vờn hoa lửa, nhìn xa hay gần đều chỉ thấy “cái nắng” bủa vây: “Cái nắng đốt phía trước/ Cái nắng đốt phía sau”. Cái nắng oi nồng bức bối ấy càng đáng sợ hơn khi cảm nhận ở không gian chật hẹp: “Trong gian nhà bé nhỏ/ Nồng khét mùi gạch vôi”. Tất cả mọi vật đều oằn mình, bơ phờ chịu nắng. Nhưng dễ gì chịu nổi, cho nên “chuối rũ tàu”, “ruộng khô nẻ”, “đất bạc trắng”, hố bom ao đìa cạn khô,…! Mọi vật, mọi người đều đáng thương, nhưng trong bối cảnh này, tội nghiệp nhất vẫn là những đứa trẻ, các em chưa quen đương đầu với cái khắc nghiệt của thời tiết. Tác giả đã khắc họa, đặc tả cái không gian nóng bức để làm nổi bật tình thế ấy.
          Để rồi tình thế ấy, rất tự nhiên, trở thành dịp để những điều diệu kỳ hiện hữu: “Tay cầm quạt mo cau/ Mẹ làm cô tiên gió”. Thu hẹp không gian nóng bức, đồng thời mở ra không gian êm mát. Khổ thơ thứ tư chính là cái bản lề để khép mở hai chiều không gian ấy của bài thơ: “Trong gian nhà bé nhỏ/ Nồng khét mùi gạch vôi/ Suốt buổi trưa mẹ ngồi/ Quạt cho con nằm ngủ”. Người mẹ chăm chút, nhẫn nại, khẽ khàng vỗ về con yêu bằng quạt mo cau đơn sơ và bằng những lời hát ru mát ngọt. Để trong giấc ngủ, con được đón nhận “Bao yêu thương ấp ủ…, Bao âu yếm hiền từ”; con được thụ hưởng nét thanh bình thân thuộc “Có trời xanh bát ngát/ Có cò trắng lượn bay/ Có hương đồng thơm say…”. Bao nhiêu điều diệu kỳ vẫn đến trong lời ru của mẹ, mặc cho trời vẫn nắng “như đổ lửa” và “Vườn cây vẫn lặng im” không có lấy một chút gió. Con có được không gian yên bình êm mát ấy là nhờ bàn tay mẹ: “Gió vẫn bay nhè nhẹ/ Từ tay mẹ sang con…”. Từ bàn tay mẹ, con có cả thế giới. Mà chẳng phải bàn tay đâu, là cả tấm lòng. Thì ra, chiều không gian thứ hai kia chính là không gian của lời ru, không gian của lòng mẹ, của tình mẹ bao la! Thì ra, cái thế giới bên ngoài dù có khắc nghiệt, ghê gớm đến đâu cũng sẽ chỉ là nhỏ bé trước thế giới diệu kỳ của tình mẫu tử thiêng liêng, bền bỉ!


Bản thảo gốc Gió từ tay mẹ
 
           “Gió từ tay mẹ” của thầy giáo Bùi Năng Tiến được viết rất tự nhiên. Từ bản chép tay năm 1983 đến bản in ở đây không thay đổi gì nhiều. Vẻ tự nhiên ấy tạo nên đặc sắc riêng của bài thơ khi đặt cạnh “Gió từ tay mẹ” của Vương Trọng. Vương Trọng vận dụng triệt để thủ pháp đối lập. Thầy Bùi Năng Tiến thì dùng thủ pháp miêu tả. Bài thơ của Vương Trọng khẳng định cái sắc sảo trong lập tứ. Bài thơ của thầy Bùi Năng Tiến cũng lập tứ rất duyên, cùng kiểu kết cấu vòng tròn. Hai bài gặp gỡ nhau ở thi đề nhưng với cách cấu tứ khác nhau, trải nghiệm thực tế khác nhau đã đem đến cho người đọc những mỹ cảm rất riêng, không thể lẫn.
            Đọc “Gió từ tay mẹ” của thầy giáo Bùi Năng Tiến, nhiều bạn đọc có thêm một con đường độc đáo trở về miền ký ức. Ký ức của miền quê, của tuổi thơ những năm nước nhà mới thống nhất. Từ đây, người đọc gặp lại hình ảnh những hố bom thời gian chưa kịp san lấp, hình ảnh cánh đồng mía giăng giăng che bóng những con đường đi học ngoằn ngoèo, rồi căn nhà bé nhỏ chật chội, lớp học phất phơ tranh mía,… Tôi thuộc thế hệ 8X, chỉ nhiều hơn bài thơ “Gió từ tay mẹ” của thầy vài tuổi, cũng bỗng nhiên có được biết bao hình dung về tuổi ấu thơ tưởng như đã xa lắc xa lơ của mình!
 
 
 
                                   Báo Hà Tĩnh cuối tuần, ra ngày 30/9/2016
 

Tác giả bài viết: NGUYỄN THANH TRUYỀN