CÁI RÉT ĐẦU MÙA…

CÁI RÉT ĐẦU MÙA…
1. Từ lúc ra đời đến nay, bài thơ Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể đã đồng hành với bao người đàn ông trong xa cách nhung nhớ, đã thành thông điệp yêu thương của muôn vạn con tim trăn trở đêm ngày… Đây là một trong những bài tứ tuyệt tiêu biểu nhất cho con người thi sĩ Chế Lan Viên.
Con người thi sĩ ấy thế nào? Có lần Chế tự hoạ: Anh là tháp Bay-on bốn mặt. Đó là ngon tháp kì vĩ và không kém phần bí ẩn! Ta cũng có thể mượn cách nói của Ernest Hemingway để nói rằng: Chế giống như một tảng băng khổng lồ trong dòng thơ Việt Nam hiện đại vậy. Chất trí tuệ, tài hoa, sự sắc sảo thông minh - những điều người ta thường thấy và gọi tên lên - mới chỉ là … một phần nổi. Bảy phần chìm cho phần nổi ấy toả sáng, ấy là tấm chân tình ngọt lịm. Phải thấy điều đó, bởi dù là trí tuệ bậc nào đi nữa, thơ vẫn là thể loại trữ tình. Nhà thi sĩ của chúng ta tinh lắm mà cũng tình lắm, trí tuệ lắm mà cũng tâm hồn lắm, tràn đầy ánh sáng nhưng cũng thấm đẫm phù sa! Sự quyện hoà xuyên thấm của những đặc tính ấy đã thăng hoa thành nhiều thi phẩm đặc sắc. Sự sinh sôi nảy nở của một bài thơ như Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể trong tâm hồn các thế hệ độc giả chẳng phải là một điều vu vơ. Bài thơ đã chinh phục chúng ta bằng chính những phẩm chất thi nhân mà Phan Ngọc Hoan sở hữu!
      2. Biểu hiện chuyển tiết dễ dàng nhận thấy nhất trong năm là cái rét đầu mùa. Chẳng ai có thể vô cảm với thời khắc này cả. Thậm chí người ta còn cảm thấy rét khi đất trời vừa chớm lạnh. Và, để giữ ấm trong lúc này, người ta thường lật giở tấm chăn… Để ấm áp hơn, người ta cần người thân ôm ấp, che chở!... Trong cảnh huống giá băng tràn mọi nẻo (Xuân Diệu), người chưa có đôi thấy thiếu thốn cô đơn mà khát khao mong ước, người có đôi đang xa cách thì da diết nhớ thương nhau. Chế Lan Viên đã thể hiện rất tinh tế và tài hoa nỗi nhớ của người có đôi. Bài thơ là lời của người ở lại trong cái rét đầu mùa.
     Cũng là tức cảnh sinh tình nhưng cảnh ở đây ngay lập tức đã chuyển hoá thành tình và được bộc lộ trực tiếp thành… thơ:
Cái rét đầu mùa anh rét xa em
Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa
Một đắp cho em ở vùng sóng bể
Một đắp cho mình ở phía không em.
                              (Rút từ Đối thoại mới, Nxb Văn học, H.1973)
     Câu đầu mở ra trạng huống của chủ thể trữ tình: cái rét chợt về trong khi người thân yêu gần gũi nhất lại đi xa. Nhưng không chỉ có thế, với chữ rétđược nhấn mạnh một cách có chủ ý, câu thơ còn thể hiện sự chuyển hoá tinh vi từ cảm giác da thịt hành cảm giác tâm hồn. Cứ tưởng câu thơ chỉ thông báo một sự việc không ngờ lại cho thấy hai thông tin: cái rét đầu mùa của thời tiết làm anh rét và vì em đi xa khiến cô đơn mà anh rét xa em! Chữ rét thứ hai là cảm giác tâm hồn. Chủ thể trữ tình đang thấu cảm sự thiếu vắng, nhớ nhung.
     Chiều sâu của nỗi nhớ ấy được thể hiện rõ trong câu thơ thứ hai:
Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa
     Anh rét xa em nhưng đêm dài lạnh vẫn chia chăn làm hai nửa! Đó không đơn thuần là nhớ nhung nữa mà là mong ngóng hướng về, là lo lắng quan tâm!
     Theo mạch cảm xúc ấy, câu chuyển – thứ ba tiếp tục bộ lộ tâm trạng hướng về người xa đồng thời chuẩn bị cho sự đột khởi tứ thơ:
Một đắp cho em ở vùng sóng bể
     Hoàn toàn hợp logic, bởi ở trên chủ thể đã chia chăn làm hai nửa. Vậy là cái chăn ấm hạnh phúc kia anh đâu chỉ dành lấy cho mình. Nằm một mình mà vẫn chia chăn đắp cho em ở vùng sóng bể thì đúng là một tình nhân lý tưởng - người ở luôn hướng đến người đi, người đi luôn hiện hữu trong tâm hồn người ở. Chẳng ai có thể trách móc gì một tấm lòng như thế!
      Đến câu kết, cụm từ một đắp cho được lặp lại. Người đọc dễ nghĩ đến một sự phân chia cân bằng ( một đắp ncho em - một đắp cho mình) và đễ cho rằng Một đắp cho em ở vùng sóng bểlà thơ rồi(!)… Nhưng, nếu thế, thì chỉ là thơ xoàng! Chế Lan Viên đem đến cho người đọc một cái kết bất ngờ và độc đáo đúng nghĩa câu hợp trong một bài tứ tuyệt đích thực – khép lại một bài thơ đồng thời mở ra một bầu trời đầy ý vị:
Một đắp cho mình ở phía không em.
      Phía không em của anh đã trùng khít, đồng nhất với vùng sóng bể nơi em đến. Vậy có nghĩa đắp cho mình mà kỳ thực là chỉđắp cho em, đắp cho em là đã đắp cho mìnhrồi. Đến đây, không những không thể trách tình nhân này được gì mà tất cả chúng ta đều chỉ có thể cúi đầu thán phục trước một lòng yêu chỉ biết dâng hiến, hi sinh!
      Cái trục quyết định thành công của bài thơ là một phép chia tài tình. Nó kết tinh được nét tài hoa, sắc sảo và tâm hồn đa cảm của người làm vườn vĩnh cửu. Hết bài thơ, cái chăn vẫn nằm không trên giường chẳng ai đắp cả mà sao nghe ấm áp lại lùng! Ai là người được ủ ấm đây? Là tình yêu chứ còn ai nữa! Bài thơ kết lại bằng một tâm thế hướng về trọn vẹn, một nỗi nhớ hết lòng, để lại dư âm ngọt ngào về lòng thuỷ chung, sự chăm sóc sẻ chia trong tình yêu và hạnh phúc gia đình…
      3. Bốn dòng thơ làm nên một số phận nghệ thuật đủ sức đi qua sự sàng lọc của thời gian mà vẫn tươi nguyên sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại ( chữ trong Thi nhân Việt Nam ) quả là điều không đơn giản!
      Mùa đang chuyển… Gió… Và mưa… Không ngủ được, vì nhớ. Lúc thế này càng cảm thấu và tri ân hồn thơ Chế Lan Viên!...
                                                               
                                                                        NGUYỄN THANH TRUYỀN