Chất người nghệ tĩnh trong một chùm ca dao (Sách Ngữ văn địa phương Hà Tĩnh, phần Lớp 7)

Chất người nghệ tĩnh trong một chùm ca dao (Sách Ngữ văn địa phương Hà Tĩnh, phần Lớp 7)
Các thế hệ cha ông để lại cho chúng ta những di sản tinh thần vô cùng quý giá, trong đó có ca dao – dân ca. Ca dao – dân ca xứ Nghệ đã phản ánh đời sống tâm hồn phong phú của con người nơi đây, vừa mang những nét chung của văn hoá Việt Nam vừa thể hiện những bản sắc của vùng văn hoá Nghệ Tĩnh. Đặc sắc của thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh là ở chỗ nó thể hiện rất rõ chất người Nghệ Tĩnh. Xin bàn về đặc điểm này qua chùm ca dao được đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 7, ở phần Ngữ văn địa phương Hà Tĩnh (1).
Các tác giả cuốn sách lựa chọn chùm ca dao gồm sáu bài với chủ đề Những câu hát về tình cảm gia đình, quê hương, con người Nghệ Tĩnh. Chưa thể đầy đủ nhưng người biên soạn đã rất cẩn trọng tinh lọc trong di sản đồ sộ của cha ông những bài thể hiện rõ những nét cơ bản ở một số mặt sinh hoạt và tính cách con người Nghệ Tĩnh.
      1. Như tất cả các bà mẹ Việt Nam, bà mẹ đất Nghệ Tĩnh cũng dùng âm điệu ngọt ngào thiết tha của câu lục bát quen thuộc để hát nuôi phần hồn cho những đứa con yêu. Lời ru là tình phụ mẫu, là ước mơ mong mỏi về con. Cha mẹ gửi gắm ước mơ trong những bài học đầu đời: Ru con con ngủ à ơi/ Trông cho con lớn nên người khôn ngoan/ Làm trai gánh vác giang san/ Mẹ cha trông xuống, thế gian trông vào/ Ru con con ngủ đi nào/ Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng/ Làm trai quyết chí anh hùng/ Ra tay đánh dẹp, vẫy vùng nước non. Ta dễ dàng nhận ra ở lời ru trên cái khí chất gân guốc, mạnh mẽ, trang trọng hoà trong âm điệu tâm tình, thiết tha quen thuộc. Vì sao vậy? Qua lời ru, người xứ Nghệ không chỉ truyền cho con trẻ lòng biết ơn công cha nghĩa mẹ mà còn dưỡng dục con về chí khí làm người. Cùng với tình cảm gia đình, sống cho tròn chữ hiếu, người Nghệ Tĩnh nêu cao tình cảm cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Những người con đất này coi công danh thành đạt là để báo hiếu mẹ cha đồng thời cũng là đền nợ nước non, là chứng tỏ trách nhiệm với thế gian. Trong lời ru và trong lời dạy con, người Nghệ đều nhất quán tư tưởng ấy: Con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền (2). Bởi thế mà nhà thơ Huy Cận khái quát: Đất này mẹ dạy con/ Yêu anh hùng nghĩa khí !(3) Chính vì được thụ hưởng bầu sữa dân gian dồi dào, những con người rất Hà Tĩnh như Nguyễn Công Trứ mới nuôi chí quyết trả nợ cầm thư bởi cái lẽ Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông (Đi thi tự vịnh). Những kỳ vọng của các thế hệ sinh thành đã nhào nặn nên cho mảnh đất này những người con tràn trề khát vọng và nhiệt huyết cống hiến! Phải chăng tư tưởng hiếu với dân của Hồ Chí Minh cũng bắt nguồn từ khát vọng đó?!
      2. Đầy trách nhiệm với giang san cũng bởi người xứ Nghệ rất yêu và tự hào về sông núi quê hương: Núi Hồng ai đắp mà cao/ Sông Lam ai bới ai đào mà sâu?. Không vì yêu, có lẽ không ai thốt lên những câu hỏi về những điều hiển nhiên trước mắt như vậy! Núi Hồng, sông Lam là hình ảnh quen thuộc đã trở thành biểu tượng kì vĩ của quê hương xứ Nghệ. Ngoài hình thức câu hỏi tu từ, bài ca dao còn ẩn chứa những tín hiệu nghệ thuật mà nếu dừng lại ngẫm suy ta sẽ thấy chất Nghệ Tĩnh không chỉ thể hiện ở tên núi tên sông. Đại từ aiphiếm chỉ xuất hiện nhiều trong ca dao Việt Nam nói chung (ví dụ: …Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn/ Hỏi ai gây dựng nên non nước này?), gợi ta nghĩ ngay đến bao thế hệ tiền nhân đã hiến thân cho sông núi để văn hoá Hồng Lam lung linh bao huyền thoại. Nhưng điều đáng chú ý hơn ở đây là chỉ trong hai dòng thơ mà xuất hiện ba động từ mạnh liên tiếp đắp - bới - đào. Liền sau đó là liên từ xuất hiện hai lần nhấn mạnh kết quả cao, sâu. Những chữ ấy phản ánh hoạt động lao động sản xuất vất vả khó khăn, thể hiện tinh thần quả cảm đấu tranh với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên ở miền đất “viễn trấn” xưa kia vô cùng khắc nghiệt, và thế núi hình sông kia như dấu tích phi thường. Cũng qua hệ thống ngôn từ đó, ta thấy gợi lên vẻ đẹp của một vùng non xanh nước biếc hùng vĩ. Núi sông là của tạo hoá. Nhưng linh khí núi sông ở đây như hoà cùng tâm hồn, ý chí con người. Gian nan vất vả nhưng nghĩa nặng tình sâu. Ngợi ca và tự hào về sông núi cũng có nghĩa là người Nghệ Tĩnh đang tự hào về những phẩm chất mà linh khí đất này đã hun đúc nên cho mình đấy thôi: Hồng Sơn cao ngất mấy trùng/ Lam Giang mấy trượng thì lòng bấy nhiêu (4). Tầm vóc, sự sâu sắc của ý chí và tâm hồn người xứ Nghệ có lẽ phải dùng chiều kích của núi sông đất này mới hòng sánh được!
      3. Người Nghệ Tĩnh nổi tiếng gân guốc, bộc trực nhưng đọc bài ca dao này thì thấy sự tinh tế của con người nơi đây cũng không thua kém bất cứ vùng nào: Trèo đèo hai mái chân vân/ Người về Hà Tĩnh, dạ ái ân Quảng Bình. Đây là bài ca dao có nhiều dị bản. Sự khác biệt giữa các bản trong dân gian chủ yếu là ở câu đầu, chọn dùng chữ chân vân hay phân vân. Phân vân vốn là chữ tả trạng thái ngập ngừng, lưỡng lự. Dùng chữ phân vân để nói tâm trạng lưu luyến khi đứng giữa hai mái đỉnh đèo có vẻ chưa thật khéo. Nhiều người chọn từ chân vân, tôi cũng đồng ý là đắc địa hơn. Xuân Diệu đã giảng chữ chân vân như sau: “Chân vân” là tiếng nói mới do hoàn cảnh mà tự sáng tạo ra, nó tổng hợp chữ “chênh vênh” là “đèo” với chữ “phân vân” là “dạ”…(5). Thật chí lí! Chân vân rất gần với chên vên (đọc chữ chênh vênh theo giọng Quảng Bình), cũng na ná phân vân. Chấp nhận nét nhoèvề nghĩa, ghi nhận sự sáng tạo ngôn ngữ của tác giả dân gian, với từ chân vân này chúng ta thấy được sự tinh tế đáng nể của cha ông xưa. Phải là chân vân mới nổi rõ sự vấn vương, quấn quyện tâm hồn. Đứng trên đỉnh đèo, nhìn sang hai mái, bước một bước chân thôi là người đã về Hà Tĩnh thân thương. Giữa không gian đặc biệt đó, nỗi lưu luyến lên đến đỉnh điểm, đặt bước chân về Hà Tĩnh (chữ về ở đây nghe cũng thật trìu mến!) mà dạ ái ân Quảng Bình. Lưu luyến nỗi niềm chi mà ông bà ta xưa phải dùng chữ ái ân (từ ngữ mà theo nghĩa Hán Việt là: tình ái và ân huệ cố kết với nhau (6) ) ở đây? Phải có một nỗi riêng sâu thẳm, những kỷ niệm vô cùng gắn bó, sống động thì mới dạ ái ân Quảng Bình như thế; bởi khi sử dụng một từ ngữ vốn dùng chỉ tình nam nữ để diễn tả sự lưu luyến với một vùng đất thì hẳn đất đã hoá tâm hồn (7) rồi! Câu bát biến thể thành chín tiếng, ngắt nhịp 4/1/4 thể hiện hiệu quả cái tứ thơ nói chia ly nhưng rất gắn bó. Chữ dạ như nốt nhạc lắng đọng ở giữa dòng thơ, dung hoà sự đối chọi giữa người vềái ân, cách biệt và sắt son. Viết về tình quê mà gợi tình yêu, hay chính tình yêu làm đẹp và sâu sắc thêm tình quê đó vậy?! Nhân dân Hà Tĩnh thật tinh tế và cũng thật tài hoa. Giáo sư Hoàng Tiến Tựu coi bài này thuộc về loại thơ tuyệt tác xưa nay đều hiếm(8) có lẽ cũng chẳng quá lời! Vẻ đẹp của bài ca dao trên như một lời giải thích vì sao mảnh đất này lại có thể sản sinh ra những trang Kiềuthêu hoá dệt gấm!
      4. Đối mặt với điều kiện tự nhiên không thuận lợi là điều quen thuộc với người dân Nghệ Tĩnh ngàn đời nay. Trước thiên nhiên khắc nghiệt, họ thể hiện ý chí phi thường: Trèo truông những ước truông cao/ Đã đi đò dọc ước ao sông dài. Tính chất phi thường bộc lộ qua điều ước đầy chất trạng- sự dí dỏm, nghịch ngược của người Nghệ Tĩnh. Đó là những điều ước trái với lẽ thường: trèo truông, vượt núi hay đi đò dọc ngược ngàn đều là những công việc lao động nặng nhọc, những hành trình có thừa vất vả, gian nan. Thế mà dân xứ Nghệ lại còn ước thêm gian nan nữa. Tại sao? Nếu ước truông thấp thì sự thực truông vẫn cao, đường vẫn khó. Nếu ước đường sông gần lại thì sự thực sông dài cũng chẳng ngắn hơn. Đằng sau cách nói ngược đó là một sự điềm tĩnh, trầm lặng của tư tưởng. Người dân xứ Nghệ biết chấp nhận sự thực khách quan, bởi khó khăn gian khổ với họ là điều không xa lạ. Chẳng có cách khắc phục gian nan nào khác ngoài việc sẵn sàng đối mặt với gian nan mà giải quyết nó. Ý chí, nghị lực, bản lĩnh, tình cảm của con người càng trải qua khó khăn thử thách càng được tôi luyện và khẳng định. Để nên người, phải rèn luyện. Muốn thành công, phải có ý chí bền bỉ, tinh thần chấp nhận và vượt qua thử thách. Tầm vóc con người vì thế mà được nâng lên. Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từng Tự khuyên mình như vậy. Mảnh đất xứ Nghệ sản sinh và đóng góp cho đất nước nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều nhà khoa bảng, văn chương … một phần cũng nhờ tinh thần kiên cường, khổ luyện đã thành truyền thống ấy!
      5. Một biểu hiện độc đáo của ý chí trong con người xứ Nghệ là sự căm ghét cái nghèo, cái khổ. Đây là một bài ca dao diễn tả thái độ ấy của người dân trong xã hội cũ: Gánh cực mà đổ lên non/ Còng lưng mà chạy, cực còn chạy theo! Sự căm ghét cái vất vả, khổ nhục thật ghê gớm. Cũng là than thân nhưng ta thấy ở đây không bắt đầu bằng điệp khúc thương thay… ta thường gặp. Người Nghệ Tĩnh coi sự gian khó, đắng cay, tủi nhục… như một loại vật thể trước mắt, hiện hữu, ngổn ngang. Căm ghét vì nó cứ bám riết, đeo đẳng, người ta muốn tống khứ nó đi thật xa. Vì thế nên họ gánh cực mà đổ lên non. Thế nhưng, còng lưng mà chạy, cực còn chạy theo! Sự căm tức của nhân dân với cái nghèo, cái đói, cái bất công đã đến tột cùng, cực điểm. Người dân đã làm tất cả để thoát nghèo nhưng cái nghèo không thôi ám ảnh. Tại vì thiên nhiên quá khắc nghiệt, khắt khe hay bởi cuộc đời xưa còn tồn tại quá nhiều trái ngang, bạc bẽo? Nghị lực, chí hướng, khát vọng đấu tranh thoát nghèo của người dân vì thế càng trở nên quyết liệt. Chí hướng ấy vẫn được người xứ Nghệ bao đời nay liên tục kế thừa theo tinh thần thời đại.
      6. Truyền thống người Việt Nam đề cao nhân nghĩa, lẽ ứng xử của con người với nhau. Tinh thần đó biểu hiện ở người xứ Nghệ cũng có nhiều nét đặc trưng. Nổi tiếng khổ học, hay chữ lại hay nghĩa (9) cộng với tính cách bộc trực đến mức cực đoan nên người Nghệ Tĩnh châm biếm những nghịch lí trong ứng xử của người đời cũng sâu cay vô hạn: Những người ló (lúa) đụn (khối lớn) tiền kho/ Rọt (ruột) như chạc chỉn (sợi chỉ) mồm to bằng trời/ Những người đói rách tả tơi/ Rộng lòng đùm bọc lấy người sa cơ. Tác giả dân gian sử dụng nghệ thuật châm biếm tài tình bằng thủ pháp trùng điệp, đối lập tương phản và cường điệu. Hiệu quả diễn đạt của bài ca nhờ sự tổng hoà các thủ pháp đó. Cấu trúc cú pháp của hai cặp câu giống nhau (Những người…) tạo nên sự song hành đồng thời cũng tạo nên sự đối sánh trong hình dung của người đọc. Ở từng cặp câu, tác giả khéo cài vào những cặp đối chọi tương phản làm nổi rõ bản chất của từng đối tượng. Ở cặp thứ nhất là sự tương phản giữa sự giàu có và bản chất keo kiệt trong cái vỏ hào nhoáng lố bịch của một loại người: ló đụn tiền khorọt như chạc chỉn, đã thế còn mồm to bằng trời. Ở cặp thứ hai là sự đối lập giữa hoàn cảnh nghèo khó và bản chất nhân ái, rộng lượng của người lao động: đói rách tả tơi lại sẵn sàng rộng lòng đùm bọc lấy người sa cơ. Chỉ ra sự tương phản, tạo sự đối sánh như vậy chứng tỏ người lao động trong xã hội cũ đã sắc sảo nhận diện được bản chất bọn thống trị - lũ người Giàu bạc giàu ác, nhân duyên chẳng giàu (10). Cách nói cường điệu bằng các thành ngữ địa phương Nghệ Tĩnh (ló đụn tiền kho, rọt như chạc chỉn, mồm to bằng trời,  đói rách tả tơi) đã có sức biểu cảm đặc biệt, vừa châm biếm sâu cay bọn phi nhân vừa trân trọng, tự hào, ngợi ca những thường dân sống mộc mạc, chân chất. Kịch liệt công kích những nghịch lí của đời sống cũng là một dạng thức biểu hiện của khát khao cháy bỏng về một xã hội bình đẳng, nhân văn trong tâm thức của con người xứ Nghệ xưa nay vậy!
      Ca dao – dân ca Nghệ Tĩnh là chân dung tinh thần của con người vùng văn hoá Hồng Lam: bản lĩnh cứng cỏi, bền bỉ gân guốc, trọng nghĩa khinh tài, điềm tĩnh sâu sắc, giàu khát vọng và nhiều lúc thiết tha tinh tế… Tất cả những đặc điểm ấy được thể hiện qua những hình tượng nghệ thuật giàu sức sống. Việc biên soạn tài liệu Ngữ văn địa phương Hà Tĩnh theo tinh thần của Bộ GD&ĐT, đưa di sản văn chương ấy của cha ông vào nhà trường không chỉ đã làm phong phú và sáng tỏ thêm cho chương trình chính khoá mà còn góp phần khai thác, bổ sung và phát huy vốn hiểu biết về văn học địa phương (11). Một vài tiết học và bài tập sưu tầm tuy chưa phải là nhiều, nhưng thông qua đó, chúng ta có thêm một con đường góp phần bồi dưỡng những nét bản sắc tâm hồn xứ Nghệ cho con em nhằm giữ gìn, kế thừa và phát huy những nét bản sắc vô cùng đáng quý, làm giàu cho nền văn hoá dân tộc, khẳng định sức sống của nền văn hoá Việt Nam trong thời đại toàn cầu hoá như vũ bão hiện nay!
                                                                 Kỉ niệm 180 năm Hà Tĩnh, tháng 8 - 2011  
                                                                           Nguyễn Thanh Truyền

   ---------------
Chú thích:
      (1), (2), (4), (10) Ngữ văn địa phương Hà Tĩnh, Nhiều tác giả, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh xuất bản, 2007, tr. 20, 21, 22. 
(3), (9)  Trong bài thơ Gửi bạn người Nghệ Tĩnh, Huy Cận, viết năm 1967.
(5), (8)  Dẫn theo Bình giảng ca dao, Hoàng Tiến Tựu, Nxb GD, H.2000, tr.41
  (6)   Theo Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh, Nxb VHTT, H.2003, tr.3.
   (7)   Chữ trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên.
        (11)  Ngữ văn 6 (SGV), Nxb GD, H.2002, tr.230.