Minh Khai - Nơi có lửa và có niềm tin

Minh Khai - Nơi có lửa và có niềm tin
Quê tôi ở Hương Sơn nhưng nhiều người vẫn nghĩ rằng tôi là người Đức Thọ. Sau 12 năm công tác ở trường THPT Đức Thọ, tháng 8 năm 1986 tôi được chuyển về trường THPT Minh Khai, hồi đó trường đóng ở xã Tùng Ảnh - một vùng quê đẹp, giàu truyền thống văn hoá, khoa bảng bậc nhất Hà Tĩnh.

Khi đó tuy mới tuổi 14 nhưng trường Minh Khai đã là một trường mạnh trong vùng. Hiệu trưởng nhà trường là thầy Nguyễn Đình Long - một người lãnh đạo tầm cỡ trong ngành giáo dục Nghệ - Tĩnh. Thầy đã từng là Hiệu trưởng các trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, THPT Đức Thọ, trưởng phòng phổ thông ty giáo dục Hà Tĩnh. Hiệu phó là thầy Phan Thanh, thầy Phạm Xuân Ký. Thầy Phan Thanh đã từng là Hiệu trưởng một trường THPT tỉnh Ninh Bình.

Lúc bấy giờ trong đội ngũ giáo viên nhà trường có nhiều thầy, cô là giáo viên giỏi như thầy Nguyễn Xương, thầy Lương Xuân Cung, thầy Bùi Vạn, thầy Trần Viết Niệm, thầy Trương Nguyễn Vinh, thầy Nguyễn Văn Bằng, thầy Trần Văn Khoan, cô Lê Thị Bát, thầy Hồ Sĩ Đàn, thầy Đoàn Chính Quy.

Trong những năm đó mặc dù đất nước đã bước vào thời kỳ đổi mới nhưng kinh tế - xã hội vẫn còn rất nhiều khó khăn, vì thế nhiều giáo viên trong trường phải lăn lộn, bươn chải làm thêm nhiều việc khác nhau như chăn nuôi, làm ruộng, bóc lạc …. Cuộc sống tuy vất vả nhưng các thầy, cô giáo vẫn luôn chăm lo công tác giảng dạy, không khí chuyên môn trong trường vẫn diễn ra sôi nổi. Mỗi khi có những vấn đề vướng mắc trong chuyên môn, có những bài toán khó, có những tài liệu hay, các thầy cô thường trao đổi, cung cấp cho nhau, cùng nhau giải quyết với một tinh thần cởi mở và chân tình.

Được làm việc trong môi trường như vậy, nhiều giáo viên trong đó có tôi đã có những bước trưởng thành trong chuyên môn. Tôi công tác ở trường Minh Khai 12 năm. Trong 12 năm công tác tại trường, kể cả những năm làm Hiệu trưởng, Hiệu phó năm nào tôi cũng tham gia công việc giảng dạy lớp chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn thi đại học, cao đẳng.

Các lớp, các đội tuyển do tôi phụ trách hàng năm đều đạt được nhiều thành tích tốt trong các kỳ thi, trong đó tiêu biểu nhất là thành tích thủ khoa cấp tỉnh môn toán lớp 11, học sinh giỏi quốc gia toán lớp 12 của học sinh Trần Trường Thuỷ.Tôi xin nói thêm về em Trần Trường Thuỷ để làm rõ hơn một gương mặt học sinh xuất sắc của nhà trường. Ngoài thành tích ấn tượng về học sinh giỏi, Trần Trường Thuỷ còn đạt thủ khoa Học viện ngoại giao và năm trước đó khi đang còn là học sinh lớp 11 Thủy đã từng thi thử vào Học viện ngoại giao với kết quả 26 điểm. Là một học sinh có khả năng tự học rất tốt, em đã tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết của nhiều môn, trong đó có môn toán. Cái gì Thuỷ cũng biết, thế nhưng trong các giờ học Thuỷ vẫn luôn chú ý lắng nghe cho dù đó là những kiến thức đơn giản, chịu khó làm ngay cả những bài tập dễ, một học sinh học rất giỏi mà giữ được một thái độ học tập như thế thì thật là đáng quý.

Bây giờ Trần Trường Thuỷ đã là một Tiến sĩ, giữ cương vị là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển Đông của Học viện Ngoại giao,  nhiều lần xuất hiện trong các hội nghị quốc tế về Biển Đông. Trần Trường Thuỷ xứng đáng là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho truyền thống ham học, học giỏi của các thế hệ học sinh  trường Minh Khai và là tấm gương tốt về tinh thần và thái độ học tập cho các em học sinh của trường hiện nay cũng như sau này.

Tháng 1 năm 1996 thầy Nguyễn Đình Long được nghỉ hưu theo chế độ. Với sự tín nhiệm của Chi bộ và tập thể cán bộ giáo viên nhà trường, tôi được Sở bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường.

Tiếp nối công việc của một thầy Hiệu trưởng giỏi, giàu kinh nghiệm, cùng với một phong trào nhà trường phát triển là điều rất thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều thử thách đòi hỏi bản thân tôi phải hết sức cố gắng.

Thời kỳ này trường đã chuyển về thị trấn Đức Thọ.Trường mới do Chính phủ Cộng hoà Pháp đầu tư xây dựng khá khang trang, nằm ở vị trí trung tâm của vùng, giáo viên, học sinh đi lại dễ dàng hơn. Thuận lợi là cơ bản, nhưng khó khăn vẫn còn không ít.Trường có 30 lớp nhưng chỉ có 15 phòng học cao tầng và 5 phòng học cấp bốn nên phải học 2 ca, trường lại ở gần đường tàu nên mỗi khi có đoàn tàu đi qua các hoạt động dạy học của toàn trường đều phải ngừng lại. Khuôn viên của trường quá chật chội, trường không có sân chơi, bãi tập, do đó việc tổ chức dạy học môn thể dục,tổ chức các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt tập thể cũng gặp rất nhiều trở ngại.

Lãnh đạo trường hồi đó chỉ có 2 người đó là tôi và anh Trần Viết Niệm, anh Niệm là Bí thư Chi bộ. Hai anh em chúng tôi rất hiểu nhau và luôn tôn trọng nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống, chúng tôi hầu như không có sự phân biệt vai trò trong lãnh đạo. Thư ký công đoàn là anh Võ Anh Dũng, Trợ lý thanh niên là anh Nguyễn Tiến Huệ.

Trường có đội ngũ giáo viên, nhân viên là một tập thể có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, sống đoàn kết, chân thành. Các tổ chuyên môn của trường có nhiều giáo viên khá, giỏi.Tổ Toán có thầy Nguyễn Xương, thầy Nguyễn Quốc Hải, thầy Thái Công Anh, thầy Nguyễn Ngọc Anh, thầy Phan Trọng Nhượng, thầy Lê Quốc Tế, cô Cao Thị Thanh Trà.Tổ Vật lý có thầy Trương Nguyễn Vinh, thầy Nguyễn Công Ất, thầy Nguyễn Thế Tân, thầy Lê Bá Thiện, thầy Đinh Quang Ấn. Tổ Hoá có cô Lê Thị Bát,thầy Nguyễn Xuân Bình, thầy Nguyễn Đình Chi. Tổ Sinh có thầy Hồ Sỹ Đàn, thầy Bùi Đắc Thanh, thầy Phan Duy Chử, Tổ Văn có thầy Trần Văn Khoan, thầy Trần Quốc Vinh, thầy Bùi Xuân Tân, cô Phan Thị Chất.Tổ Sử, Địa, Công dân có thầy Đoàn Chính Quy, thầy Nguyễn Quốc Lập, thầy Lê Thế Điện, thầy Lê Văn Hải. Tổ Thể dục có thầy Trần Văn Hải.

Ngoài những giáo viên nòng cốt cũ, giai đoạn này trường có thêm nhiều nhân tố mới và họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những chuyển biến tích cực cho phong trào chuyên môn của nhà trường.Tiêu biểu nhất là các thầy Nguyễn Quốc Hải, Nguyễn Công Ất. Là những người tâm huyết, giỏi chuyên môn nhưng thái độ lại luôn khiêm nhường, các thầy đã góp phần tô đậm những phẩm chất,những giá trị rất đáng quí có tính truyền thống của đội ngũ giáo viên giỏi Minh Khai.

Trong thời kỳ này mục tiêu ưu tiên hàng đầu của nhà trường là đẩy mạnh phong trào chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy học trên nền xây dựng phong trào toàn diện.

Nề nếp, kỷ cương, chất lượng dạy học trong các giờ chính khoá luôn được coi trọng, các hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp, ôn thi học đại học cao đẳng được tổ chức chu đáo, bảo đảm các yêu cầu về thời lượng, chất lượng, nhu cầu và nguyện vọng của học sinh

Sinh hoạt chuyên môn trong trường cũng có nhiều hình thức mới. Thời đó kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng do các trường tổ chức độc lập, do đó sau mỗi mùa thi các bộ môn đều có rất nhiều đề thi của các trường, đây thực sự là một nguồn kiến thức quan trọng và cần thiết cho cả giáo viên và học sinh. Vì vậy hàng năm trường có chủ trương giao cho các tổ thu thập tất cả các đề thi, nghiên cứu lời giải, đáp án rồi sau đó tổ chức trình bày trong các tổ, trường có kinh phí bồi dưỡng cho người báo cáo và người tham dự.

Đối với học sinh, trường tổ chức hình thức giải bài, viết bài trên báo bảng, báo bảng được ra mỗi tuần một kỳ với nội dung rất thiết thực. Hình thức giải bài, viết bài, đọc bài trên báo bảng ngoài việc cung cấp kiến thức cho học sinh còn góp phần tạo ra không khí học tập sôi nổi, sâu rộng trong nhà trường qua đó khích lệ tinh thần phấn đấu trong học sinh và trong giáo viên.

Với sự cố gắng chung của tập thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh, sự phối hợp hài hoà, hiệu quả của các tổ chức đoàn thể trong trường của hội phụ huynh, trong thời kỳ này trường đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Chất lượng học sinh giỏi của trường vươn lên dẫn đầu toàn tỉnh,trường có nhiều học sinh giỏi quốc gia, tỷ lệ tốt nghiệp lớp 12 đạt cao, số lượng học sinh đậu các trường Đại học, Cao đẳng tăng nhanh và luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh.

Trường liên tục được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc, năm học 1996-1997 trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng III, năm học 1997-1998 lần đầu tiên trường được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu bậc THPT của tỉnh.

Tháng 8-1998 tôi được Sở điều động vào làm Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng - Thị xã Hà Tĩnh.Tình cảm gắn bó với nhà trường sau 12 năm thật sâu nặng, phong trào nhà trường lại đang phát triển thuận lợi, trong khi chặng đường phía trước có thể có nhiều khó khăn, thách thức. Lòng tôi đầy tâm trạng. Nhưng rồi tôi vẫn quyết định tạm biệt trường một mặt để thực hiện quyết định của Sở mặt khác để tạo cơ hội cho bạn bè, đồng nghiệp rộng đường phát triển.

Sau khi tôi chuyển đi anh Trần Viết Niệm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Trong 12 năm lãnh đạo nhà trường, anh Niệm đã thể hiện là một Hiệu trưởng giỏi, có phong cách lãnh đạo năng động, quyết đoán, có uy tín cao trong tỉnh.

Tiếp nối anh Trần Viết Niệm là anh Nguyễn Ngọc Hoan. Trước khi trở lại Minh Khai anh Hoan là người có công lớn trong việc tạo ra những chuyển biến tích cực có tính lịch sử ở trường THPT Trần Phú, cũng như anh Hải, anh Ất, anh Hoan là người tâm huyết, giỏi chuyên môn.

Từ năm 1998 cho đến nay trường THPT Minh Khai tiếp tục đạt được nhiều kết quả xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Chất lượng học sinh giỏi, chất lượng học sinh đậu Đại học, Cao đẳng của trường luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh, có nhiều học sinh của trường đạt danh hiệu thủ khoa, nhiều năm có một số tiêu chí trường được xếp trong tốp 200 trường đạt kết quả tốt nhất của cả nước. Về học sinh giỏi quốc gia THPT Minh Khai là trường không chuyên duy nhất trong tỉnh năm nào cũng có học sinh đạt giải.

Trường được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất.Thành tích của trường thật đáng tự hào, trường xứng đáng là ngọn cờ chất lượng của giáo dục trung học Hà Tĩnh.

Trong thực tiễn của phong trào thi đua, việc một đơn vị đạt thành tích cao trong một số năm đã là một điều không dễ, còn đạt thành tích cao trong một thời gian dài suốt mấy chục năm qua như Minh Khai thì quả là điều rất hiếm.

Điều gì đã giúp Minh Khai làm nên những thành công như vậy? Dĩ nhiên là có nhiều yếu tố, nhưng theo tôi có lẽ có hai điều quan trọng nhất. Trước hết nói một cách hình tượng, Minh Khai thành công bởi Minh Khai là nơi có lửa,  một thời nơi đây từng có những người thắp lửa và những ngọn lửa đó vẫn được giữ để cháy sáng cho đến tận bây giờ.

Điều thứ hai Minh Khai thành công bởi Minh Khai là nơi mà các giá trị thực chất,cốt lõi trong chuyên môn được xác định, ghi nhận và trân trọng, chính điều đó là cơ sở để tạo nên niềm tin trong tập thể sư phạm nhà trường, niềm tin trong học sinh, trong phụ huynh và trong nhân dân .

Một nhà trường khi mà tập thể đoàn kết, có niềm tin, có lòng nhiệt tình, có những người giỏi và tâm huyết thì nhà trường đó sẽ có phong trào phát triển và đạt nhiều kết quả tốt.

Riêng với cá nhân tôi trong cuộc đời làm giáo dục, tôi đã trải qua bốn đơn vị công tác và ở nơi nào cũng đã có những ngày tháng tốt đẹp, nhưng phải nói rằng thời gian 12 năm ở trường Minh Khai là khoảng thời gian mang rất nhiều ý nghĩa. Minh Khai là nơi cho tôi sự trưởng thành trong chuyên môn, trưởng thành trong công tác quản lý, Minh Khai là nơi tạo đà cho tôi phát triển trong những thời gian kế tiếp sau này. Minh Khai đã để lại trong tôi nhiều niềm vui, nhiều điều tâm đắc, nhiều kỷ niệm tốt đẹp về tình bạn, tình đồng nghiệp, tình thầy trò một thời không thể nào quên.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường, tôi chân thành cảm ơn các thầy lãnh đạo, các thầy cô giáo, các thế hệ học sinh, các bậc phụ huynh của nhà trường, cảm ơn các cấp uỷ chính quyền, nhân dân huyện Đức Thọ đã tin tưởng, tạo điều kiện, cộng tác, chia sẻ giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian công tác tại trường.

Chúc nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống văn hoá, hiếu học của quê hương Đức Thọ, truyền thống 40 năm đầy tự hào của mình, phấn đấu vươn lên đạt nhiều thành tích suất sắc hơn nữa trên những chặng đường mới.

                                                      NGND Nguyễn Trí Hiệp

                      (Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Nguyên Hiệu trưởng nhà trường )  /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}