Thú vị chuyến du lịch khám phá Miền Tây Nam bộ (tiếp)

Thú vị chuyến du lịch khám phá Miền Tây Nam bộ (tiếp)
Rời thành phố Cà Mau, chúng tôi tiếp tục hành trình về Rạch Giá, thủ phủ của tỉnh Kiên Giang. Cảnh vật bên đường vẫn là những kênh rạch dọc ngang, những ngôi nhà lợp tôn lúp xúp, vẫn ít thấy quán internet, vẫn thấy nhiều cà phê võng… Duy chỉ có một cây cầu mang cái tên không nơi nào có…
Đó là cầu "Xẻo Bướm"  trên trên địa giới Xã Đông Thái Tỉnh Kiên Giang. Từ rất lâu rồi tại địa phương này là nơi cư ngụ của đông đảo cộng đồng người Khơ Me.




 
Ấn tượng nhất trên đường tới Rạch Giá  là lúc dừng xe xuống phà Xẻo Rô – Tắc Cậu vượt sông Cái Lớn và Cái Bé. (Đã thấy “Xẻo Bướm” nay lại “Xẻo Rô” không biết còn có “Xẻo” gì nữa đây!)


Từ bờ Xẻo Rô (phía nam đến bờ Tắc Cậu (phía bắc) dài khoảng 2,2km, riêng đoạn kênh Lộc Tắc nối liền hai con sông qua cồn Vĩnh Hòa Phú dài 200m. Đây là chuyến phà duy nhất ở miền Tây Nam Bộ phải vượt qua hai con sông và chạy dọc một đoạn kênh.
       Tối 6/7, đoàn nghỉ lại thành phố Rạch Giá. 8h 7/7 lên tàu cao tốc SuperDong IV (vận tốc 60km/h) ra đảo Phú Quốc.





Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km², xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tại Phú Quốc, đoàn đã đến nhà tù Phú Quốc, tham quan cơ sở nuôi cấy ngọc trai, làng chài Hàm Ninh… Nhà tù Phú Quốc là di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, là một trại giam do thực dân Pháp xây dựng để giam cầm những người Việt. Dưới thời Mỹ ngụy, đây được gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc, hay Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc.

Trong phòng trưng bày nhà tù Phú Quốc

Trong cửa hàng ngọc trai

Làng chài Hàm Ninh nằm ở phía đông đảo Phú Quốc. Nơi đây có đặc sản nổi tiếng là hải mã (cá ngựa). Nghe HDV giới thiệu cá ngựa PQ chất lượng không nơi nào bằng. Một bình gồm 2 cặp cá ngựa (2 đực 2 cái), 1 cặp hải long và mấy con gì nữa không biết giá 400 ngàn. Các thầy cô trong đoàn mỗi người ít nhất một bình. Thấy ai cũng vui.
Bữa trưa tại nhà hàng ven biển có ghẹ luộc chấm muối chanh, tôm nướng, mực nướng. Mọi người đều chung nhận xét: Ngon và rẻ.
12h trưa 8/7, đoàn lên tàu cao tốc trở về Rạch Giá; tiếp tục hành trình theo quốc lộ 63 về thành phố Hồ Chí Minh. 

Về đến thành phố Hồ Chí Minh đúng 10 giờ đêm. Tính ra ngày hôm nay đã vượt qua 400km trên 3 loại phương tiện: tàu cao tốc, phà, ô tô. Mệt thật nhưng cũng vui thật. Không biết, đêm nay trong đoàn có ai mơ về “Xẻo Rô”, “Xẻo Bướm” không ?Dọc đường đi thấy hình như tỉnh nào cũng có huyện Châu Thành. HDV cho biết: Châu Thành là tên gọi chung để chỉ lị sở hay thủ phủ của tỉnh. Về sau, biến thành tên riêng của một loạt "thủ phủ" của nhiều tỉnh ở Nam Bộ. Ngày nay, các huyện Châu Thành ở Nam Bộ là vùng đất tiếp giáp các tỉnh lị. 
Các tỉnh có huyện Châu Thành là: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh.
 Hành trình du lịch khám phá miền Tây Nam bộ của chúng tôi đã đi qua các tỉnh thành Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp. Thời gian không nhiều, nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được những nét văn hóa chung thú vị của cả vùng đất miền Tây Nam bộ.

                                                                                                            Bùi Năng Tiến
(Xem bài trước)