Con mèo nhỏ của tôi

Con mèo nhỏ của tôi
Tôi ngày ấy còn có một con mèo. Con mèo quý. Gọi là quý không phải vì con mèo của tôi màu đen tuyền được mọi người khen nức nở, mà vì tôi yêu mến nó và nó là của quý của riêng tôi.

 

Ngày thường, nó trầm ngâm nằm trên khoảng chiếu mẹ tôi trải giữa sàn nhà, tư lự và im ắng. Có lúc mèo sưởi nắng, và đôi khi, nó vươn dài hai đôi chân cong cong nằm sõng xoài giữa sân và thích thú trườn hết lớp bụi này đến lớp bụi khác lên mình. Những ngày mùa thu, khi cái nôn nao dịu dịu về cùng với gió lạnh se se và hương bưởi man mác, chỗ nằm quen thuộc của mèo lại là lớp chăn mỏng trên chiếc trường kỉ, chiếc dép bông ấm áp hay đơn giản hơn, theo tôi, là trên hai đùi tôi. Bộ lông trắng đen mềm mại phe phẩy dưới hai cánh tay tôi. Tôi cũng thích thú ôm mèo vào lòng.

Đó là một con mèo kì lạ : một vệt đen nho nhỏ xinh xinh nằm nơi mũi và lớp thịt trước hàm, tôi không biết phải gọi làm sao, đành theo mẹ tôi gọi là Đém, lâu dần thành tên riêng. Đém được cả nhà tôi yêu quý, và nó đủng đỉnh đi dọc sàn nhà, qua cái sân ra ngõ rồi lại trở vào. Tôi thường nhân những lúc ấy, thơ thẩn nép sau cánh cửa bế lấy nó. Tôi cẩn trọng và nhẹ nhàng như đối với một con người bé bỏng mà dễ thương. Tôi lại đặt Đém xuống sàn nhà, để cho nó tiếp tục cuộc dạo chơi thật kì thú như thường lệ. Đém ngồi xuống, khép gọn gàng hai chân sau rồi lim dim mắt. Chỗ ngồi của nó cũng thật khác biệt : khó có thể trông thấy nó ngồi trên sàn nhà, trần trụi, trừ khi có ai đó đứng gần, nó phải dè chừng và trừ khi nó quyến luyến ngồi cùng tôi. Còn bình thường, dễ nhận thấy nhất là một chỗ ngồi cao ráo trên manh chiếu cói, chiếu trúc, trên mặt bàn, mặt ghế, hoặc có lúc, tôi buồn cười trông thấy, nó nằm trọn trên một chiếc dép nhựa. 
Một hôm, trời tưng hửng nắng nhàn nhạt, giàn thiên lý trước nhà tôi tơi tả sau một trận mưa dữ, lại bắt đầu mơn mởn tươi xanh. Gốc đu đủ cũng đu đưa trước gió, lắc lư những chùm quả ương ương vàng vàng mời gọi lũ trẻ chăn trâu. Bà tôi bắt đầu buổi sớm mai bằng công việc quét tước mảnh sân nhỏ trước nhà, cái công việc mà bà vẫn quen tay. Bà thỉnh thoảng mới xuống nhà tôi chơi, hoặc có việc gì. Bà cứ nhấp nhổm không yên, hết dọn dẹp lại đi chơi hàng xóm, không ở nhà cả ngày như chúng tôi. Tôi cũng mải học bài, lại vẩn vơ với mảnh vườn, không để ý xem Đém nó đi đâu. Kể ra, nhà tôi còn có con Đực nữa, hình thù cũng giống mẹ nó, nên tôi quên khuấy khoả. Xém chiều, mây mưa bắt đầu kéo đến, lại xối xả như tối hôm trước. Tôi vừa bực, vừa hấp tấp thu dọn đám đồ treo lủng lẳng trước nhà, lại chạy vất vểu đi đóng từng chiếc cửa. Bà thấy tôi đi vội vàng, dặn dò :

- Mày có đi đâu thì từ từ thôi cháu ạ ! Mà mèo với chó đâu cả rồi, từ sáng bảnh mắt có thấy con nào đâu ?

Bà tôi hay để ý như thế đấy. Mà khi ấy tôi mới vỡ ra, vừa lo lắng, lại vừa băn khoăn, tôi lục lọi trong trí nhớ xem từ sáng đến giờ có thấy Đém đi đâu hay không. Trong vườn, chắc chắn là không, vì cả sáng tôi tỉ mẩn ngắt hoa trong ấy, cánh cửa lại thông với bếp, nên có gì là tôi biết. Ngoài sân ra ngõ chắc cũng không, bà tôi quét dọn ngoài ấy, lại nói chuyện với bà Tâm hàng xóm, cũng để ý. Vậy chỉ còn trong mấy gian nhà này thôi. Nhưng thường thường Đém với tôi vẫn chơi đùa giữa phòng khách, hoặc trong này, phòng tôi, và tôi tìm ra nó ngay, không khi nào nó lại trốn tránh tôi cả. Nhưng để cho chắc ăn, tôi vẫn ngó nghiêng đi tìm khắp các ngõ ngách, lạo tìm cả trong vườn và sân ngoài nữa. Khi ấy, may sao, trời lại tạnh mưa. Nắng chan hoà kéo nhau lên núi, và lấp ló nắng trên những ruộng lúa sau nhà. Mưa nhanh đến, nhưng cũng nhanh đi. Nắng mau về. Nhưng tôi chỉ tiện mắt đưa nhìn vậy thôi, còn tâm trí để hết vào việc đi tìm con mèo yêu quý. Chợt ở đâu một tiếng "meo meo" rơi ngang, vọng ấn tượng vào tai tôi. Tôi tìm theo thính giác, thấy một bóng đen lổ đổ trắng vụt xuống chiếc cối đá sau vườn. Tôi toan chạy lại ôm, thì con vật lừ đừ đưa mắt nhìn tôi, cảnh giác. Ồ, không phải rồi. Tôi suýt hụt ! Đôi mắt to tròn ấy, Đém không bao giờ nhìn tôi như thế, lại nhất là chiếc mũi hồng hồng, Đém của tôi đã có tên riêng cơ mà ! Tôi định thần lại, mắng con mèo Đực:

- Trời ! Tao tưởng mẹ mày, thật làm cho tao tưng hửng quá ! Thôi, có thấy mẹ mày đâu, thì dẫn tao đi, chứ đứng đó làm gì ?

Con vật tội nghiệp có lẽ biết bị mắng, cụp tai lủi thủi đi và hiền lành ngồi dưới gốc mít. Tôi đã lỡ nói thế, nên dù không tin, cũng lẹ làng bước qua đám lá vườn nhìn lên thân mít, mong có một điều thần kì xảy ra. Nhưng không có gì cả.

Tôi buồn bã vì đã tìm khắp mọi xó xỉnh, vẫn không thấy con mèo yêu quý đâu. Vừa nghĩ, lại vừa lo. Tôi mải chơi với nó lâu nay, không nghĩ đến một ngày sẽ mất nó. Tôi xốn xang... và bồn chồn vô hạn, tôi ngồi bó gối trên ghế, gục đầu xuống. Mũi tôi cay cay, và im lặng... Sao Đém lại đi như thế, trong một ngày mưa ?... Ồ, a ! Nhưng không ! Thoáng nghe thấy tiếng lao xao trên giàn thiên lý, tôi giật nảy mình như dưới ghế này cắm kim. Một tấm thân nhỏ nhắn, bốn cái chân lanh lẹ trượt từ từ trên gốc tre nghiêng nghiêng cắm xuống đất. Tôi đã nhanh chóng nhìn thấy đôi mắt lim dim, bình thản, bốn cái chân vàng vàng và nhất là cái chấm nhỏ đen đen nới mũi. Tôi chạy vội vàng ra, nhấc bổng Đém và sung sướng ôm vào lòng, hít hà, và kể lể. Thì ra, lúc trời sắp mưa, cô nàng có vui vẻ trèo lên giàn thiên lý chơi với gió, chới với thế nào chẳng xuống được. Tôi lấy khăn thấm nước cho Đém, vừa thấm khô, tôi rủ rỉ trò chuyện...

Nhưng đó đã là chuyện của một năm về trước, còn giờ đây, tôi mất mèo Đém thật rồi. Ngày hôm ấy không mưa, cũng chẳng nắng, gió chỉ đu đưa mấy lá bưởi va vào nhau xào xạc. Đang lúc chúng tôi háo hức về mùa bưởi đầu tiên, với những trái bưởi to tròn và chín mọng lủng lẳng trên cây thì mèo của tôi  bị bệnh. Nó bỏ ăn, bỏ uống đến khô cả bụng, mẹ và tôi đều biết thế nào rồi cũng không qua khỏi. Cơn bệnh hành hạ nó đến mười ngày liền, cũng tức là trong chừng ấy thời gian, Đém chỉ uống nước, mà công việc này lại cũng rất khó khăn ...! Tôi đã chỉ ước ao mình là một bác sĩ thú y, mình có thể làm gì hơn nữa, để  giữ Đém của tôi mãi mãi ở bên tôi ? Có những lúc tôi đã nghĩ Đém sẽ thật sự ra đi, nhưng không nặng nề như lúc ấy... Thật kỳ lạ thay, trước ngày đi xa mãi, nó vẫn tỉnh táo nằm xoài xuống nền nhà - một điều cho thấy nó đã yếu lắm rồi - cho tôi vuốt ve, và tâm sự. Mẹ an ủi tôi. Trước đó, nó bỏ đi biệt tăm tìm nước, vì chính trong bụng nó như đang có lửa hành hạ bởi cơn khát. Ôi, ước gì tôi san sẻ được phần nào căn bệnh khó hiểu ấy cho Đém của tôi. Nó đợi ... nó đợi tôi về, để chào tạm biệt tôi và từ biệt ngôi nhà lần cuối vào đúng lúc không ngờ nhất, theo lời mẹ tôi kể lại : lúc tôi đi học về. Rồi nó gắng gượng dậy, lại đủng đỉnh đi, nhưng nghiêng về một bên, xiêu xiêu chỉ như một tia nắng chiều, bốn cái chân đệm những bước cuối cùng, rồi đi khuất. Tôi xót xa vô cùng, nhưng cũng chẳng còn nhớ nổi mình có rơi nước mắt hay không nữa, bởi bao suy nghĩ đã ập đến đầu tôi... Tôi không trông thấy được giây phút cuối cùng của Đém, nhưng có lẽ như thế, tôi còn an ủi được phần nào, nếu không, tôi còn đau đáu rất nhiều nữa... Nó - Đém của tôi - không bao giờ còn có thể chơi với nắng, không bao giờ còn có thể tròn chuyện với tôi những ngày đông giá rét được nữa...

Tôi vẫn chờ, vẫn chờ đấy... Ai bảo loài vật không có linh hồn, không có tri giác ? Tôi tin tưởng rằng, Đém vẫn luôn dõi theo tôi, và tôi thì luôn luôn không thay đổi, giữ mãi hình ảnh người bạn đó trong tim. Có lẽ, không một ai có thể thay thế nó trong tâm tư của tôi, trong suy nghĩ, và trong quan niệm về sự sống. Có lẽ những gì ta yêu quý, trân trọng giữa cuộc đời bé nhỏ này, sẽ tạo lập một niềm tin vững bền mãi mãi : những gì ta cho đi ..., kể cả những tình cảm không ngờ nhất như giữa tôi và Đém. Chỉ cần một lần thôi tôi nhận thức được tình yêu thương thực sự hiện hữu của loài vật như một điều thần kỳ, một lời tri ân suốt bốn năm cũng đủ cho tôi một ngọn lửa ấm áp trong tim ... Trân trọng những gì cuộc sống ban tặng thông qua tình bạn là cách tốt nhất để hiểu giá trị nhân văn tuyệt vời của sự liên kết tự nhiên trong tâm hồn ./.                                                     

                                          Phạm Thị Thanh Hiền – 9B THCS Hoàng Xuân Hãn