NÚI TÙNG - SÔNG LA

Đến với sông La - núi Tùng bạn không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của non sông mà còn được đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc

Sông Ngàn Sâu và sông Ngàn phố hợp lại tại Tam Soa để thành con sông La. Ngã ba sông này gọi là Tam Soa. Ngay sát ngã ba sông về phía bờ Nam, có một bãi nổi, trên có một tảng đá lớn, bằng phẳng, tao nhân mặc khách thường tới đây ngắm cảnh ngâm vịnh, nên gọi là Thạch Bàn (thi đàn): 
      Sông đến non Tùng bàn đá trải 
     Giang sơn muôn thủa với đàn thơ... 
   Chảy được chừng 500m, sông bắt đầu rẽ nước để ôm trọn lấy bãi đá Ngưu Chữ (bãi Soi) rồi lượnu vòng cung theo hướng Bắc, nhẹ nhàng hòa vào dòng Lam ở ngã ba Phủ (ngã ba rú Thành), trước Lam Thành để đổ về Cửa Hội, ra với biển Đông. 
    Sông La là con sông ngắn, nhưng nước trong xanh nhất, phong cảnh đẹp nhất ở xứ Nghệ. Sông La đã đi vào lịch sử quê hương và dân tộc, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ văn nhân tài tử. Ở bờ Bắc Tam Soa có núi Việt (núi Cỗ Xôi), tự tách mình khỏi dãy Thiên Nhẫn bởi một nhánh của sông Ngàn Phố đến soi mình bên Tam Soa. Đối diện với núi Việt, ở bờ Nam có núi Tùng - Tùng Lĩnh, Tùng Lĩnh là ngọn đầu tiên của dãy Trà Sơn, kéo dài từ đây cho đến tận Can Lộc, Hương Khê. Tùng Lĩnh duyên dáng, tròn trịa như con gái. Tùng Lĩnh còn gọi là rú Thông, vì ở đây có rất nhiều thông, quanh năm một màu xanh ngắt, hòa lẫn màu xanh của trời, của sông nước, tiếng thông vi vu tấu cùng tiếng sóng của con sông La, khẽ khang dội vào vách đá, tạo nên không gian kỳ ảo của thế giới màu sắc và âm thanh... 
    Sông La chỉ dài 15km, nhưng hàng năm có đến 6.000 triệu mét khối nước đổ qua đây cùng hàng trăm vạn tấn phù sa tạo nên vùng châu thổ phì nhiêu nhất nhì xứ Nghệ, quanh năm một màu xanh mát mắt ở đôi bờ. Dọc sông La là những xóm làng trù phú có lịch sử hàng ngàn năm, bao danh nhân kiệt xuất đã ra đời làm rạng danh non nước Tùng - La: Nguyễn Biểu, Bùi Dương Lịch, Phan Đình Phùng, Trần Phú... 
    Đến với sông La - núi Tùng bạn không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của non sông mà còn được đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc. Không đâu lại có nhiều nghề và làng nghề thủ công truyền thống như ở đây: Nghề rèn ở Trung Lương, mộc ở Thái Yên, đóng thuyền và cào hến ở Trường Xuân, dệt lụa ở Đông Thái... Nơi đây cũng là khi tàng văn hóa dân gian đồ sộ và phong phú. Câu hò, điệu ví không bao giờ ngưng nghỉ trên dòng sông La. Mỗi khi xuân về, mời bạn hãy về đây với hội làng Trường Xuân với tích diễn "cướp A Đẩu" trên sông La, và hội bơi thuyền của làng Trung Lương... để thưởng ngoạn với một vùng quê ai tạc nên bức họa đồ.

                                                   



Admin (Theo vi.wikipedia.org)