Triết lý giáo dục từ một thông tư

Các cháu học sinh tiểu học sẽ không phải làm bài kiểm tra lấy điểm 7 môn học. Giáo viên hướng dẫn nhận xét đánh giá sức học, từ đó động viên, hỗ trợ để học sinh tiến bộ.

Đó là một trong những quy định của dự thảo thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học của Bộ GDĐT. Với cách học này, các cháu được giảm đi gánh nặng học tập để dành thời gian cho tuổi thơ của mình.

Nội dung đánh giá học sinh tiểu học cũng có những điểm mới. Ngoài các yêu cầu về học tập, còn có các tiêu chí về đạo đức như hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; kính trọng, lễ phép với thầy cô, nhân viên và người lớn tuổi; thương yêu giúp đỡ bạn bè và người có hoàn cảnh khó khăn; góp phần bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường và địa phương.

Như vậy, các cháu được dạy phải biết yêu thương những con người gần gũi nhất, trước hết là gia đình, dòng họ; đó là những tình cảm tự nhiên và là cơ sở để hình thành nên nhân cách về sau.

Từ những hạt mầm yêu thương đó, khi lớn lên, các cháu sẽ biết yêu nước thương nòi. Khi còn nhỏ, các cháu chỉ cần biết bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường và địa phương, lớn lên sẽ biết giữ gìn và phát huy truyền thống của quốc gia, dân tộc. Giáo dục cũng phải thuận theo tự nhiên, hãy để các cháu cảm xúc theo tiếng nói của tâm hồn thơ trẻ, áp đặt các giá trị không phù hợp với nhận thức, tâm lý, tình cảm của con người là trái với tự nhiên.

Một quy định khác là giáo viên khi nhận xét không dùng từ ngữ gây tổn thương học sinh, không thông báo trước lớp và trong cuộc họp phụ huynh học sinh những điểm không tốt của học sinh. Chỉ đơn giản vài câu như thế thôi, nhưng là một sự thay đổi quan trọng về nhận thức trong giáo dục. Các cháu được dạy về lòng quảng đại, sự tha thứ. Con người cần được dưỡng nuôi trong môi trường của tình yêu thương và tha thứ thì xã hội mới bớt đi những hận thù, bớt đi cái xấu và cái ác.

Điểm tiến bộ nhất của dự thảo thông tư, đó là học sinh có quyền nêu ý kiến và nhận được sự giải thích, hướng dẫn của giáo viên, của hiệu trưởng khi thấy mình chưa được đánh giá, nhận xét, xếp loại chính xác, công bằng. Một học sinh tiểu học được nói tiếng nói phản biện, được cho phép nói lên suy nghĩ của mình, được quyền đòi hỏi sự công bằng và phải có sự giải thích từ thầy cô.

Các cháu sẽ không còn cúi đầu lắng nghe một chiều, mà đã có quyền nêu ý kiến của mình từ khi còn bé, lớn lên các cháu sẽ tự tin để nói tiếng phản biện và có quyền đòi hỏi sự trả lời từ người có trách nhiệm. "Cây" dân chủ có trồng thì mới lớn, ngành giáo dục đã trồng nó từ trong trường tiểu học.

 
                                                                                   

Nguồn tin: Lê Thanh Phong (laodong.com.vn)