Nhân kỷ niệm lần thứ 170 năm sinh (6-7-1847) cụ Phan Đình Phùng
Việc quân vâng mệnh trải mười đông,
Chiến sự nay còn tính chửa xong.
Dân đói kêu trời tan ổ nhạn,
Quân thù chật đất dậy đàn ong.
Chín trùng Thánh Chúa nơi quê lạ
Bốn bể nhân dân chốn lửa nồng.
Trách vọng càng cao lo lại nặng,
Tướng môn những thẹn với anh hùng.
(Lâm chung thời tác- Lê Thước dịch)(1)
Đã hơn một thế kỷ, bài thơ Lâm chung thời tác mà cụ Phan viết bằng chữ Hán trước lúc khuất núi (1895), về sau được người đời gọi là bài thơ Tuyệt mệnh, vẫn còn âm vang trong lòng bạn đọc. Gíao sư Lê Thước đã dịch ra tiếng Việt, và được đưa vào Chương trình học Cao đẳng Sư phạm.
Với một bậc túc nho tài hoa như cụ Phan, chắc là còn không ít những bài thơ khác, song đáng tiếc là chưa sưu tầm được đầy đủ. Riêng bài Tuyệt mệnh là cả một tấm lòng trĩu nặng nghĩa tình với dân, với nước.
Cụ Phan thuộc gia đình trí thức lớn nổi tiếng khắp vùng. Thân sinh là Phan Đình Tuyển ở làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, đỗ Phó bảng, làm Tuần phủ (chủ tịch) tỉnh Lạng Sơn, triều Minh Mệnh, tử trận trong đợt đánh dẹp thổ phỉ ở địa phương. Thân mẫu là trưởng nữ của tiến sĩ Phan Bá Đạt, thượng thư cùng thời. Gia đình có 6 anh em. Cụ Phan là con thứ năm, đỗ Đình nguyên Tiến sĩ triều Tự Đức năm 1877; em trai đỗ phó bảng và anh cả đỗ tú tài, anh hai đỗ cử nhân, một người không dự thi, còn chị gái thứ ba là Phan Thị Đại. Bản thân cụ Phan sau khi thi đỗ, được cử làm quan Ngự sử hàm Thượng thư (tương đương Tổng thanh tra bây giờ). Là một bậc tài trí thông minh tuyệt vời, mang phẩm chất cao đẹp của người quân tử, cụ Phan không thể chấp nhận việc triều đình bất lực đầu hàng thực dân Pháp cùng việc quan lại lộng quyền tham nhũng hại dân, nên cụ thẳng thắn vạch mặt lên án bọn xấu, khiến chúng tìm mọi cách gạt bỏ cụ khỏi triều đình, đẩy về quê.
Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương chống Pháp tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, đã triệu tập cụ Phan ra làm chỉ huy nghĩa quân hai tỉnh Nghệ Tĩnh. Với uy tín của gia đình trí thức đại khoa và khí phách hào hùng trung với vua, với nước của bậc sĩ phu họ Phan, phong trào Cần vương buổi đầu tạo được sức thu hút rộng rãi, tập hợp được đông đảo tầng lớp nho sĩ và nông dân trong vùng.
Đại bản doanh được đặt giữa đại ngàn Vũ Quang, (trên một chặng đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh hiện nay) thuộc vùng núi hiểm trở nối liền bốn huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, giáp ranh biên giới Việt Lào. Buổi đầu, cuộc kháng chiến bùng nổ như ngọn lửa tỏa sáng rộng khắp vùng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, và vang dội khắp cả nước, khiến giặc Pháp vô cùng hoảng sợ; mà chúng sợ nhất là phong trào Cần vương liên kết được với phong trào Đề Thám (1886-1915) ở miền Bắc. Chúng tìm mọi cách đánh nhanh, diệt gọn, song không dễ gì dập tắt ngọn lửa hào hùng mãnh liệt chống xâm lược của nhân dân ta thời đó. Bằng mọi thủ đoạn khủng bố chém giết, đốt phá, chia cắt, bao vây các nguồn tiếp tế lương thực, súng đạn vào chiến khu Vũ Quang; chúng còn kêu gọi cụ Phan quy hàng trở về làm quan với chính quyền thống trị! Âm mưu xảo quyệt ấy được lộ rõ nhất trong vụ án bà Phan Thị Đại- chị ruột cụ Phan. Chẳng thế mà sau khi bắt giam bà, chúng dự định kết án tử hình bà, vu cho bà tội “ám thông với giặc chống lại triều đình”.
Nhưng rồi với mục đích mua chuộc hàng ngàn nghĩa quân đang chiến đấu, chúng lại giảm án cho bà, khuyên bà vào chiến khu gặp cụ Phan dụ dỗ đầu hàng. Sau khi cụ Phan mất, được chúng thả về (1895), bà kể lại rành rõ với con cháu:
Sau khi bắt giam bà một thời gian ở Hà Tĩnh, giặc di lý bà vào kinh đô Huế để nhận án tử hình. Một viên lính Pháp dẫn đầu 10 tên lính Việt đi bộ áp giải tù nhân. Nhưng vì bà tuổi cao sức yếu, nên một tốp phu trạm phải cáng võng bà đi. Vào đến Quảng Bình nghỉ chân, đang lúc nửa đêm, bỗng một quan binh xuất hiện đánh thức mọi người dậy. Hắn tập hợp bọn lính lại, tới gần bà vái chào, rồi đọc lệnh của triều đình Huế, thông báo rằng, bà không phải chịu án tử hình nữa, mà phải quay về tù ngồi tại nhà lao Hà Tĩnh. Lúc bấy giờ, người con gái bà Đại- đang là vợ của Tế Tửu Nguyễn Quán, Giám đốc trường Quốc Tử Giám tại kinh đô Huế- đã làm đơn kiện tới viên Khâm sứ Pháp Trung kỳ ở Huế, rằng bà Đại đã già, không liên quan đến hoạt động của cụ Phan (chắc vì thế mà Triều đình Huế đình chỉ việc xử tử- Lê Thước ghi lại ). (2)
Mấy ngày sau, một hôm bà Đại đang bị giam trong ngục tối Hà Tĩnh thì viên đề lao bước vào, ra lệnh mở gông cùm và trao vào tay bà một bộ quần áo mới. Hắn bảo bà rửa mặt thay quần áo, rồi đi theo hắn tới dinh quan Tuần vũ Tôn Thất Hân. Vợ chồng viên quan đầu tỉnh này mời bà Đại một bữa cơm thịnh soạn, chuyện trò tỏ vẻ thân mật. Cơm nước xong, quan Tuần bèn mở tráp- một hộp gỗ nhỏ sơn đen, lấy ra ba phong thư viết sẵn, rồi nói rõ: "Nay Nhà nước có lệnh tạm tha cho bà để nhờ bà đem ba phong thư này lên gặp cụ Đình, giao tận tay, rồi cầm thư cụ trả lời về giao cho tôi. Nếu mọi việc được xong xuôi tốt đẹp, thì không những bà được tha về, mà còn được Nhà nước trọng thưởng”.
Ba lá thư gồm:
1. của viên Toàn quyền Đông Dương De Lanessan.
2. Thư của Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải - người cùng làng, cũng là bạn đồng môn của cụ Phan.
3. Thư của Tuần vũ Tôn Thất Hân.
Bà Đại kể tiếp, lúc đó bà nhận lời, vì nghĩ rằng lên rừng được gặp em trai, rồi trở về, nếu chúng giết cũng thỏa lòng. Thế là chúng cho lính cáng võng bà hướng tới Vũ Quang để giao cho cụ Phan ba lá thư chiêu hàng. Với mục đích mỵ dân, đoàn rước long trọng có cờ lệnh, có lính hộ vệ, có trống con cầm nhịp đi trước, tiến đến miền Cửa Rào (ngã ba Hòa Duyệt- Hương Khê), địa đầu chiến khu. Bên kia sông Ngàn Trươi đã có cờ quạt của nghĩa quân ra đón bà. Đi ngược phía Ngàn Trươi thêm một đoạn đường, hai chị em gặp nhau; xa cách lâu ngày, sống trong vòng vây của giặc, hai chị em vui mừng khôn xiết! Bà đưa ba phong thư cho cụ Phan, rồi kể lại lời dặn của Tôn Thất Hân. Xem xong ba bức thư, cụ Phan không nói gì, rồi bỏ ba bức thư vào tráp… Ba ngày sau, cụ Phan hỏi chị gái: “Chị muốn ở lại hay muốn về, tuỳ ý chị, còn tôi thì không ra đầu thú đâu!”
Bà thong thả nói: "Cậu ra hay không là việc quan trọng, chị không dám bàn. Còn chị là chị của cụ Đình, làm việc Cần vương cứu nước, cứu nhà, chị đã hẹn trở về thì sẽ về, không muốn sai lời hẹn với bất cứ ai”.
Cụ Phan trả lời: "Nay tôi không ra mà trả lời ngay cho bọn chúng, thì chúng tức giận sẽ giết chị. Vậy tôi tạm viết vài dòng chị cầm về, rồi sau sẽ chính thức phúc đáp lại để chúng biết ý định của tôi. Như vậy chúng còn hy vọng đợi thư của tôi, nên sẽ không giết chị…” (3)
Không hề bị lung lay trước ba lá thư dụ hàng, cụ Phan vẫn quyết tâm giương cao ngọn cờ kháng chiến và đã có trận thắng lớn (1894). Tuy biết rằng sự nghiệp phục quốc tính kế chưa xong, nhưng hiềm nỗi “Dân đói kêu trời tan ổ nhạn”, đang phải chìm ngập trong máu lửa, còn “quân thù chật đất dậy đàn ong”. Thế địch đang mạnh, thật khó lòng thắng được chúng lúc này.
Mặt khác về thực lực, cuộc kháng chiến bùng nổ mang nhiều yếu tố bột phát, thiếu kế hoạch chuẩn bị đầy đủ theo chiến thuật lấy “đoản binh đánh trường trận”, đặc biệt là phong trào kháng chiến chưa cắm rễ sâu vào lòng dân để tìm kế đánh lâu dài, cho nên nghĩa quân gặp muôn vàn khó khăn. Thêm nữa, vua Hàm Nghi đã bị bắt, triều đình phong kiến đã đầu hàng, ngọn cờ quân chủ kháng chiến đã lỗi thời, không còn đủ sức lôi cuốn quần chúng đông đảo. Đúng là:
Chín trùng Thánh Chúa nơi quê lạ,
Bốn bể nhân dân chốn lửa nồng.
Ngược lại, kẻ thù cố sức tập trung mọi lực lượng, mọi thủ đoạn tàn bạo để tiêu diệt nghĩa quân. Các cụ già trong vùng thường kể lại, để khủng bố tinh thần của nhân dân, tất cả những ai mà chúng bắt được cho là có liên hệ giúp đỡ nghĩa quân, giặc Pháp đều bị trói chân tay, chặt đầu, rồi thả trôi sông. Không khí chết chóc bao trùm cả một vùng quê.
Trước thời thế không thuận lợi, cuộc kháng chiến lâm vào bế tắc, tiến thoái lưỡng nan: Thiếu lương thực, vũ khí, thuốc men, quân địch thắt chặt vòng vây cô lập căn cứ đầu não giữa rừng sâu. Thiếu thốn, bệnh tật khiến nghĩa quân bị tiêu hao dần; hơn nữa bản thân cụ Phan sức khỏe không tốt nên lâm bệnh nặng. Vị tư lệnh nghĩa quân tự cảm thấy lương tâm hổ thẹn với nước non Tiên Rồng, và “hổ thẹn với anh hùng” tiên liệt, xót xa trước cảnh đói khổ của đồng bào trong tình trạng bị bọn thống trị “thiết quân luật” khắp vùng, nên buộc lòng Cụ ngậm ngùi tuyệt mệnh, tự đặt mình vào quan tài giã từ cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù hung bạo nhằm giữ tròn khí tiết. Trước khi nhắm mắt, người chí sĩ kiên cường, nhân nghĩa ấy vẫn không quên khuyên các nghĩa binh hãy trở về gia đình sản xuất, chờ đợi thời cơ khác tốt hơn. Nỗi niềm trung với nước, hiếu với dân được thể hiện sâu nặng trong bài thơ Lâm chung thời tác:
Việc quân vâng mệnh trải mười đông
Chiến sự nay còn tính chửa xong.
...Trách vọng càng cao, lo lại nặng
Tướng môn những thẹn với anh hùng.
Tuy chưa thể thành công, nhưng trên đất Nghệ Tĩnh, ảnh hưởng cuộc kháng chiến 10 năm (1885-1895) đã góp phần thúc đẩy phong trào Đông du của Phan Bội Châu cùng phong trào Tân Việt đầu thế kỷ XX, và dư đảng nổi dậy của Cụ Phan còn tiếp tục hoạt động đến tận năm 1930, trước khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời phất cao ngọn lửa Xô viết Nghệ Tĩnh. Tiếng vang vẫn còn cháy mãi giữa non nước Lam Hồng và trong lòng nhân dân cả nước. Đúng như lời đại tướng Võ Nguyên Giáp viết đề tặng - khắc bia niệm tưởng nhớ cụ Phan: “Đình nguyên Phan Đình Phùng là chí sĩ yêu nước tiêu biểu nhất của phong trào Cần vương chống thực dân Pháp xâm lược”.
Ngày nay trên quê hương Hà Tĩnh có ngôi trường Phổ thông Trung học Phan Đình Phùng được thành lập sớm nhất sau cách mạng tháng Tám; gần 70 năm qua, trong hàng vạn học sinh từ mái trường này tỏa đi bốn phương, đã xuất hiện hàng trăm nhà văn hóa, khoa học xuất săc, họ thực sự xứng đáng với tên tuổi nhà chí sĩ - trí thức họ Phan.
--------------
1- Lê Thước dịch- dẫn từ Giáo trình ngữ văn Hán Nôm- Nxb Giáo dục-1983
2, 3- Tư liệu theo cuốn Gia phả Bà ngoại tôi, Lê Thước soạn 1970 (Tủ sách gia đình đánh máy) Cụ Phan Thị Đại là bà ngoại GS Lê Thước, cũng là bà nội GS Lê Văn Thiêm.