Ngày 21 tháng 4 năm 2016, trường Tiểu học Thái Yên tổ chức cho hơn 60 em học sinh khối 5 và một số em học sinh xuất sắc trong phong trào học tập và rèn luyện của năm học 2015-2016 đi tham quan, tìm hiểu và báo công tại khu mộ đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan- thân mẫu Bác Hồ; Quê ngoại, quê nội Bác Hồ ở Kim Liên Nam Đàn và khu di tích Ngã 3 Đồng Lộc. Cùng đi với thầy và trò còn có các bác trong Hội cha mẹ học sinh của nhà trường.
Bao nhiêu nỗi khao khát chờ mong đã được các cô cậu học trò nhỏ thể hiện rõ trong hành động : 5h 30 phút, tất cả các thành viên đã tề tựu đông đủ ở sân trường.
Trên bến Tam Soa, dưới chân ngọn núi Tùng Lĩnh, nơi đồng chí Trần Phú an giấc ngàn năm các em được ngắm nhìn nơi hợp lưu của con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu để tạo nên đồng Sông La hiền hòa và thơ mộng, dòng sông đã đi vào nhiều khúc hát, trang thơ và là một biểu tượng của quê hương Đức Thọ, quê hương Hà Tĩnh. Trước anh linh của Tổng Bí Thư Trần Phú, thầy hiệu trưởng nhà trường đã giới thiệu tóm tắt về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, báo cáo kết quả dạy học của giáo viên và học sinh trong năm học vừa qua. "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" - câu nói bất hủ của Tổng bí thư Trần Phú sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những thế hệ hôm nay và mai sau.
Rời quê hương Đức Thọ, qua cầu Linh cảm trên dòng La, xe đưa chúng tôi đi giữa những cánh đồng ngô xanh mướt xen lẫn những chân ruộng Lạc mà những mầm xanh bắt đầu nhú lên khỏi những tấm áo choàng bằng ni lông mỏng màu trắng bạc. Đức Thọ - Nam Đàn, quê hương của 2 lãnh tụ của cách mạng Việt Nam núi liền núi, sông liền sông. Phải chăng, trên nẻo đường này của 120 năm về trước cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã từng đặt chân tới trong những lần Người được đi theo Cụ Đồ Nguyễn Sinh sắc trong những lần sang gặp gỡ các Nho Sĩ ở tổng Du Đồng ( Đức Thọ ngày nay)?
Đường lên mộ bà Hoàng Thị Loan
Vừa đi, cô giáo Liên cất lời cho chúng tôi hát đồng thanh những bài hát về Bác Hồ, về trường lớp và bề bạn...Động Tranh kia rồi, chúng tôi xuống xe vừa háo hức vừa thành kính chinh phục 264 bậc đá để viếng mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ. Khu mộ thật trang nghiêm với kiến trúc hiện đại nhưng vẫn gần gũi, trong những khối đá Hoa cương sang trọng vẫn thấp thoáng hình bóng quê nhà với hoa sen bình dị và khung cửi tằm tơ tảo tần đời Mẹ. Trong tà áo dài truyền thống, giọng cô thuyết minh thật nhẹ nhàng và truyền cảm.Không mấy ai cầm được nước mắt khi nghe cô thuyết minh nói về những năm tháng, những hy sinh, những đau đớn xót xa của người Mẹ khi phải vượt cạn một mính nơi xứ người cách trở... Cảm ơn người Mẹ đã sinh thành và dưỡng dục cho dân tộc Việt Nam một lãnh tụ thiên tài.
Rời khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, đoàn chúng tôi lại về với làng “Hoàng Trù quê Mẹ và Làng Sen quê Cha”. Mặc dù đã được xem hình ảnh về Quê Ngoại và Quê Nội của Bác nhiều lần trên Ti vi, nhưng được trực tiếp nhìn thấy những kỷ vật bình dị, gần gũi, thân thương của gia đình Bác, chúng tôi vẫn rất bồi hồi xúc động. Cả một thời ấu thơ sống trong tình thương yêu, chở che của người thân gia đình và láng giềng họ mạc của Bác Hồ đã được các cô thuyết minh trình bày với một tình cảm thật trân trọng, thiêng liêng.
11h 30, cả đoàn được nghỉ ngơi ăn trưa tại một nhà hàng ở ngay chính quê nội Bác Hồ, cảm ơn các bác trong Hội Cha mẹ học sinh và Công đoàn nhà trường đã cho Thầy trò thưởng thức những món ăn đặc sắc của ẩm thực như nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn, Canh Hến, Lươn đồng Xứ Nghệ...
14 h30, chúng tôi kính cẩn dâng hương trước bàn thờ chung và di ảnh trên phần mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong ở khu di tích Ngã 3 Đồng Lộc.Các cô hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ để góp phần giành và giữ cuộc sống thanh bình cho chúng em ngày hôm nay. Được các cô chú quản lý khu di tích cho xem sa bàn giới thiệu về Ngã 3 Đồng Lộc, bọn trẻ chúng tôi mới thấy thích thú và xúc động. Cả một không gian, thời gian chiến tranh ác liệt năm nào đã được làm sống dậy trước mắt chúng tôi. Với hiệu ứng âm thanh và hình ảnh rất thành công, lời thuyết minh ngắn gọn và rõ ràng đã giúp chúng tôi hiểu thêm về sự ác liệt, gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha ông đã phải trải qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và đây, chín tầng tháp chuông Đồng Lộc cao vòi vọi; Chuông không đánh nhưng chúng tôi cảm nhận được những ngân vang tha thiết trên bầu trời cao xanh của bầu trời Can Lộc, tiếng chuông cầu nguyện của hậu thế cho linh hồn các anh hùng Liệt sỹ được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng, tiếng chuông kêu gọi hòa bình .
Tập thể học sinh, giáo viên và phụ huynh tại ngã ba Đồng Lộc
Thích nhất với đám học trò chúng tôi là được chụp ảnh, lưu giữ những khoảnh khắc cùng bạn bè bên những chiếc máy bay, bên những khẩu pháo đủ loại, được làm những pháo thủ bảo vệ bầu trời quê hương.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn! Với các thành viên trong đoàn chúng tôi, một ngày trải nghiệm khám phá Quê Bác- Quê Tổng bí thư Trần Phú- Ngã 3 Đồng Lộc là một kỷ niệm đẹp mà nhà trường và Hội cha mẹ học sinh đã đem lại cho chúng tôi, những em học sinh sắp hoàn thành chương trình Tiểu học và rời xa mái trường Thái Yên yêu dấu và cả với những người thầy cô sẽ còn ở lại và gắn bó với ngôi trường quê êm đềm, thân thuộc.